621 Dong Ngac community hall
Đình Đông Ngạc (Kẻ Vẽ)
q.Bắc Từ LiêmLê sơsông HồngĐình Đông Ngạc (Kẻ Vẽ) có từ thế kỷ XVII. Thờ 3 thành hoàng: thần Thổ Địa, thần Độc Cước, tướng Lê Khôi. Lễ hội: ngày 10 tháng Hai âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: số 37 phố Đông Ngạc, 3QRM+MH, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: Đd Tiểu học Đông Ngạc A (xe 31)
Lược sử
Thôn Đông Ngạc có tên Nôm là Kẻ Vẽ, trước năm 1942 gọi là xã Đông Ngạc, thuộc tổng Xuân Tảo, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sau 1954, xã thuộc về quận Quảng Bá, ngoại thành Hà Nội. Năm 1961 cùng 2 xã Liên Ngạc, Nhật Tảo nhập thành xã Đức Thắng, thuộc huyện Từ Liêm mới thành lập. Năm 1964, xã Đức Thắng đổi thành xã Đông Ngạc. Trên cơ sở xã này mà phường Đông Ngạc được thành lập năm 2013.
Đông Ngạc là một làng khoa bảng với rất nhiều vị nho sĩ đỗ đại khoa thuộc các dòng họ Phan, Phạm, Nguyễn, Hoàng. Bên cạnh đường làng có khu văn chỉ thờ Khổng Tử. Ngoài truyền thống hiếu học và một số nghề thủ công như gói nem, làm quang gánh, nặn nồi đất... nơi đây còn nổi tiếng bởi ngôi đình Kẻ Vẽ với kiến trúc đặc sắc nằm liền kề mé tây của văn chỉ.
- Tam quan ngoại đình Đông Ngạc. Photo ©NCCong 2016
Đình nằm trên một khoảnh đất cao và rộng ở phía bắc làng, tương truyền nơi đó từng có một ngôi miếu cổ được xây từ thế kỷ VII thời Đường. Theo văn bia năm 1635 dân làng đã sửa lại miếu và mở rộng thành đình để thờ Tam vị thành hoàng, gồm: thần Thổ Địa [1], thần Độc Cước [2] và tướng Lê Khôi [3]. Ngoài ra, trong hậu cung còn phối thờ ông Phạm Thọ Lý là người cung tiến đất đai để xây đình ban đầu vào năm Dương Hoà nguyên niên (1635) và Công bộ thượng thư Phạm Quang Dung là người làng đã thi đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất (1706) và đứng ra trùng tu đình năm 1718.
Đình thôn Đông Ngạc tiếp tục được trùng tu, tôn tạo qua các đời Cảnh Hưng, Minh Mạng, Bảo Đại, cuối thế kỷ XX và gần đây. Ngày 16-12-1993, ngôi đình đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Tam quan nội nhìn từ sân đình Đông Ngạc. Photo ©NCCong 2016
Kiến trúc
Tam quan ngoại làm bằng gỗ, cửa nhìn về phía bắc, giáp mặt khúc đê sông Hồng nay là phố Đông Ngạc. Sau tấm mành che bụi ta thấy có hình hộ pháp vẽ ở hai cánh cửa bên, cửa chính nằm giữa đôi câu đối và bức hoành phi treo trên.
Từ tam quan ngoại có 3 lối đi với nhiều bậc thang xuống sân trước đình, hai bên là hai giếng tròn. Cụ trưởng ban di tích cho biết: "Đình làng được xây dựng dựa trên thế rồng, cổng tam quan ngoại là đầu rồng, hai giếng nước tròn là mắt rồng, và những mái đình sau đó là thân rồng. Xét về phong thủy, bên tả có một hồ nước, bên hữu có hòn non bộ”.
Tam quan nội cũng bằng gỗ, phía sau là một sân cỏ rộng khoảng 300m2. Hai bên sân là dãy nhà bia và nhà khách xây kiểu hành lang, mỗi dãy 7 gian.
- Sân đình Đông Ngạc. Photo ©NCCong 2016
Đại đình gồm hai bái đường nội và ngoại, mỗi lớp rộng 9 gian, trung cung 3 gian và hậu cung 3 gian. Tại đây cũng có biểu tượng người cầm bút và cầm vòng lửa tượng trưng cho truyền thống văn hiến, khoa cử. Trang trí bên trong rực rỡ sơn son thếp vàng. Một bình gốm nền đỏ vẽ tranh sơn thủy nhiều màu dùng để đựng nước sông Hồng rước về lễ thánh.
Di sản
Đình Đông Ngạc vẫn giữ nguyên vẹn dù đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, kể cả lần bị một quả bom Mỹ thả ngay trước bậc tam quan vào năm 1967. Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: 08 tấm bia đá từ thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, 01 cuốn ngọc phả, 45 đạo sắc phong (với các niên đại 1670, 1789, 1924…). Ngoài ra còn có các cổ vật khác như hương án, đôi phỗng và đồ tế khí, v.v..
- Tam quan nội và nhà bia đình Đông Ngạc. Photo ©NCCong 2016
Đặc biệt có một bộ ván gỗ sơn màu với diềm viền quanh từ thế kỷ XVIII vẽ các hình trang trí hoa lá theo kiểu tranh liên hoàn gồm 16 bức minh hoạ cho 16 chữ Hán: Bách, Cốc, Phong, Đăng, Vạn, Niên, Kỳ, Phúc, Chúc, Thọ, Thánh, Hoàng, Tư, Dân, An, Thái. Phía dưới có 8 bức tranh vẽ trên giá gỗ theo 8 chủ đề thể hiện các tầng lớp trong xã hội xưa: Ngư, Tiều, Canh, Mục, Sĩ, Nông, Công, Thương. Bút pháp tinh tế, sử dụng nhiều nét vàng trên nền sơn đỏ tươi. Dưới mỗi bức tranh là một bài thơ thất ngôn bát cú.
Hằng năm, nhân dân Đông Ngạc long trọng tổ chức hội đình vào ngày 10 tháng Hai âm lịch. Trong số các nghi lễ có tục dâng lên thành hoàng những cây mía tím với lá còn xanh. Đám rước kiệu đi từ đây qua đường đê, rẽ vào chùa Tư Khánh rồi quay về đình. Dân cư trong vùng về dự rất đông vui. Ngoài những trò chơi dân gian như cờ bỏi, chọi gà, đánh đu, bịt mắt bắt dê… còn có hội thả thơ đặc sắc của làng Vẽ.
- Trong đình Đông Ngạc. Photo ©NCCong 2016
Di tích lân cận
- Chùa Chèm: ngõ 351 Thụy Phương, phường Thụy Phương.
- Chùa Vẽ: ngõ 163 Đông Ngạc, phường Thụy Phương.
- Đền Hoàng: ngõ 36 Liên Mạc, phường Liên Mạc.
- Đình Chèm: 301 phố Thụy Phương, phường Thụy Phương.
- Đình Hoàng Xá: ngõ 15 Liên Mạc, phường Liên Mạc.
- Đình Nhật Tảo: 521 An Dương Vương, phường Nhật Tảo.
CHÚ THÍCH
[1] Trong các sắc phong còn giữ tại đình đều ghi là "Bảo vệ Chương Hòa đôn ngưng thổ địa hiển trưng chi thần". Sự tích không rõ, chỉ biết ngài là Bản thổ Thành hoàng, thần trừ tai, chống hạn, cầu cúng linh ứng.
[2] Bài vị thần Độc Cước do sử gia Phan Phu Tiên rước về đình từ ngôi đền chính ở Sầm Sơn, Thanh Hoá.
[3] Nhập nội tư mã Thượng tướng quân Lê Khôi là cháu ruột Lê Thái Tổ, có công đuổi Minh, bình Chiêm. Ngài mất tại Hà Tĩnh. Đô đốc Đồng Xuyên Hầu người làng Vẽ đã rước bài vị về đình do được ngài âm phù khi vận lương qua Nghệ An đi đánh Chiêm Thành.
©NCCông 2015-2020, Dong Ngac community hall