626 Co Xa temple
Đền Cơ Xá
q.Hai Bà Trưngnhà Lýsông HồngLý Thường KiệtĐền Cơ Xá có từ thời Lý. Tên chữ: Cơ Xá Linh Từ. Thờ: Lý Thường Kiệt. Xếp hạng: Di tích thành phố (1999). Vị trí: số 4 Nguyễn Huy Tự, 2V77+Q2, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 3 km (hướng 4h). Trạm bus lân cận: BV Hữu nghị Việt-Nga (xe 19, 40, 40ct, 45), 9 Trần Thánh Tông (18, 36, 42, 44).
Lược sử
Đền Cơ Xá tên chữ là “Cơ Xá Linh Từ”, toạ lạc tại số 4 phố Nguyễn Huy Tự, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Cơ Xá nguyên là đất phường An (Yên) Xá, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Đến thế kỷ XIX, nhập vào thôn Lương Xá, thành thôn Lương Yên, thuộc tổng Thanh Nhàn. Đền này là một trong vài nơi tại Hà Nội thờ vị anh hùng Lý Thường Kiệt.
Thần phả lưu giữ tại Cơ Xá cho biết Lý Thường Kiệt vốn tên là Ngô Tuấn, người làng An Xá, huyện Quảng Đức. Ngài có công lớn trong việc phá Tống, bình Chiêm, bảo vệ toàn vẹn bờ cõi Đại Việt nên được vua Lý ban quốc tính. Đến năm Ất Dậu (1105), ngài ốm nặng và qua đời tại kinh thành Thăng Long, thọ 86 tuổi. Theo sử cũ, ngài quê ở phường Thái Hòa trong thành Thăng Long. Bài minh trên quả chuông chùa Bắc Biên và sách Tây Hồ Chí đều ghi ngài sinh năm Kỷ Mùi (1019), người làng An Xá cũ, Thái Hòa chỉ là nơi ở sau khi đã làm quan to trong triều.
Làng An Xá cũ vốn ở trong thành Đại La. Năm 1010 Lý Thái Tổ thiên đô từ Hoa Lư ra đây, dân làng đã dời ra Bãi giữa sông Hồng, nhường chỗ để vua xây dựng thành Thăng Long. Sau Lý Thường Kiệt tâu vua cho làng An Xá được miễn trừ mọi khoản sưu thuế.
Kiến trúc
Đền Cơ Xá ban đầu được dựng ở ngoài xóm bãi nhưng sông Hồng chảy xiết làm cho bên bồi bên lở, nhân dân địa phương lo sợ bèn di chuyển ngôi đền vào trong thôn Lương Yên (vẫn thuộc vùng Nam Cơ Xá) - nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng. Toà tiền tế 5 gian và hậu cung 3 gian nằm trong một khu vườn đẹp; đến năm 1947 đã bị bắn phá, cháy trụi ngay từ mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp. Năm 1948, dân làng Cơ Xá góp công đức xây dựng phần hậu cung, để lại diện mạo như ngày nay.
Năm 1999, đền Cơ Xá được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá của Thủ đô. Năm 2009, UBND lại cho đầu tư tu bổ và tôn tạo toàn bộ các hạng mục kiến trúc của đền. Năm 2010, công trình hoàn thành và được gắn biển "Công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".
Tam quan đền mới xây theo kiểu 2 tầng đắp ngói ống giả, gồm ba cửa riêng mở ra hè phố Nguyễn Huy Tự. Hai bên sân gạch là dãy tả, hữu vu. Tiền tế 5 gian lắp cửa bức bàn, chấn song con tiện. Hậu cung 3 gian vẫn như cũ.
Di sản
Bên trong đền Cơ Xá còn lưu giữ được nhiều di vật quí như bức đại tự "Uy đức quang minh", 07 đạo sắc phong bởi các triều đình nhà Lê, Tây Sơn và Nguyễn trong những năm 1758, 1792, 1821, 1844, 1846, 1850, 1924. Lại có đôi câu đối cũng bằng chữ Hán ca ngợi thân thế và sự nghiệp của Thái uý Lý Thường Kiệt:
Phạt Tống, bình Chiêm, phò Lý tộc,
Tý dân, hộ quốc, hiển Cơ hương.
Tạm dịch là:
Ðánh Tống, bình Chiêm, phò nghiệp Lý
Cứu dân, giúp nước, rạng làng Cơ.
Trước đây, dân làng Cơ Xá thường mở hội đền mỗi năm hai lần vào dịp mùa xuân (ngày 21 tháng 2 âm lịch) và mùa thu (22 tháng 8 âl.). Trong hai dịp đó, ngoài việc diễn ra các nghi lễ long trọng thì còn có các hoạt động văn hoá dân gian như: đánh cờ, hát chèo, quan họ, đấu vật,... Nay do đô thị hoá nên diện tích đền thu hẹp, không thể tổ chức được những trò chơi cần bãi rộng.
Di tích lân cận
- Chùa Đức Viên: số 4 phố Trần Xuân Soạn, phường Ngô Thì Nhậm.
- Chùa Thanh Nhàn (Linh Sơn Tự): số 331 phố Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn.
- Chùa Thanh Lương (Hộ Quốc Tự): ngõ 132 Nguyễn Khoái, phường Thanh Lương.
- Chùa Tổ Ông: ngõ 95B Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ.
- Đền Đồng Nhân: số 12 phố Hương Viên, phường Đồng Nhân.
- Viện Pasteur Hà Nội: số 1 Yec-xanh, phường Phạm Đình Hổ.
©NCCông 2020, Co Xa temple