627 West Lake temple

Phủ Tây Hồ

quận Tây HồLiễu Hạnhhuyền thoại

Phủ Tây Hồ tương truyền có từ thế kỷ XVII. Thờ: Mẫu Liễu Hạnh. Lễ hội: 3 tháng 3 và 13/8 âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: số 52 Đặng Thai Mai, 3R49+2W, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 6,7 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: Đầu cuối 41 Nghi Tàm (xe 31, 41, 55a, 55b, 58).

Lược sử

Phủ Tây Hồ toạ lạc trên mũi bán đảo Quảng Bá, xưa thuộc thôn Bảo Khánh, ấp Tây Hồ, huyện Vĩnh Thuận; nay mang số 52 phố Đặng Thai Mai thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Tương truyền ban đầu chỉ có một am nhỏ do trạng nguyên Phùng Khắc Khoan (1528-1613) lập ra. Mãi sau am mới mở rộng thành phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh và trở nên nổi tiếng vào cuối thế kỷ XX.

Sân nhỏ của phủ Tây Hồ. Photo NCCong ©2019

Trong các sách viết về di tích của vùng Hồ Tây và Hà Nội xưa đã được xuất bản vào thời Pháp thuộc như: Thăng Long cổ tích khảo, Long Biên bách nhị vịnh, Tây Hồ chí, Hà Thành linh tích cổ lục,... đều không ghi chép gì về phủ Tây Hồ.

Công chúa Liễu Hạnh theo truyền thuyết đã đầu thai xuống trần vào thời Lê trung hưng. Bà trở thành vị nữ thần duy nhất trong “Tứ bất tử” ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đến thời Nguyễn được vua phong là “Mẫu nghi thiên hạ”.

Trong phủ Tây Hồ có bài thơ về thân thế của Mẫu:
Vân tác y tường phong tác xa
Chiêu du Đâu Xuất mộ Yên Hà
Nhân gian dục thức ngô danh tính
Nhất đại tiên nhân ngọc kinh hoa.
[1]

Phủ Tây Hồ. Photo NCCong ©2019

Lại có câu đối chữ Hán:
Tối linh nhi linh, Thiên Bản hồi hoàn chân cảnh tịnh
Chúng mẫu chi mẫu, Tây Hồ hương hoả biệt từ tôn.
[2]

Và câu đối chữ Nôm:
Thơ hoạ Tây Hồ, thần nữ vang lừng ba bẩy cõi
Danh truyền Nam sử, dấu tiên rực rỡ mấy ngàn thu.

Điện Sơn Trang. Photo NCCong ©2019

Ngày 13-2-1996 phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Về sau, cây si cổ thụ tại sân phủ cũng được công nhận "Cây di sản Việt Nam".

Kiến trúc

Phủ Tây Hồ mới trùng tu, chủ yếu dùng bê tông giả gỗ với phong cách thời Nguyễn. Cạnh tam quan ngoại của phủ còn có ngôi đền Kim Ngưu thờ con Trâu Vàng theo truyền thuyết đã quần thảo làm đất sụt thành hồ.

Tam quan nội của phủ đắp mái lợp ngói ống giả, dưới diềm có 4 chữ “Phong đài nguyệt các” (Đài gió gác trăng), câu đối trên trụ kể sự tích Phùng Khắc Khoan gặp Liễu Hạnh. Bước vào sân lớn ven hồ thấy ngay lầu Cậu, lầu Cô. Mặt trước phủ có cửa 2 tầng, mái giữa ghi chữ “Tây Hồ hiển tích” (Dấu để Tây Hồ); 4 cánh cửa giữa trên chạm tứ quý, dưới tứ linh, giữa đào thọ; sau cửa là phương đình 2 tầng 8 mái rồi đến tiền tế, hậu cung.

Tiền đường kiểu “phúc ốc trùng thiềm”, 8 mái vút lên theo lối lâu quán của Đạo giáo, thờ Ngọc Hoàng. Kế sau là trung đường 3 gian tường hồi bít đốc. Chính giữa thờ Tam vị thánh Mẫu bằng bài vị, bên tả treo chuông, bên hữu treo trống. Nơi tôn nghiêm nhất là cung cấm, sâu 2 gian, thấp hơn trung đường và bái đường, theo kiến trúc tiền tôn hậu ty, tiền động hậu tĩnh. Kế bên có toà điện 3 tầng, 8 mái, trong thì trên thờ Quan Âm, dưới là 3 động thờ Mẫu Thượng Ngàn và 24 cô sơn trang.

Di sản

Chuyện rằng Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, có tội nên bị đày xuống trần gian. Nàng rong chơi khắp mọi miền, thấy đảo Tây Hồ là nơi sơn thủy hữu tình, bèn dừng chân mở quán tìm thú vui giữa trời đất linh thiêng. Phùng Khắc Khoan có lần đi thuyền dạo chơi trên hồ đã ghé vào đây cùng Liễu Hạnh vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” đến nay còn lưu truyền. Chỉ biết khi Trạng nguyên trở lại tìm thì quán không còn, ngài bèn lập đền thờ người tri âm.

Hàng năm, tại phủ Tây Hồ có mở hội vào 2 ngày lễ chính là mùng 3 tháng 3 âm lịch và 13 tháng 8 âm lịch. Ngoài ra tại đây thường xuyên có lễ hầu đồng, hát văn.

Phủ Mẫu. Photo NCCong ©2019

Các tư liệu Hán Nôm hiện có ở phủ Tây Hồ đều mới xuất hiện vào cuối thời Nguyễn. Nội dung các văn bia chỉ nói đến văn chỉ huyện Vĩnh Thuận, chùa Hoằng Ân và đền Bảo Khánh. Quả chuông ghi niên đại Duy Tân thứ sáu (1912) và 4 chữ “Bảo Khánh từ chung” (Chuông đền Bảo Khánh). Hai tấm bia đá tạo năm 1928 và 1937 dựng ở trong phủ cũng có tiêu đề “Bảo Khánh bản tôn chư tộc gia tiên công liệt vị” (Bài vị liệt tổ các dòng họ của thôn Bảo Khánh), “Bảo Khánh thôn linh từ bi hậu ký” (Bài ký bia hậu thần đền thôn Bảo Khánh). Vậy phủ xây trên nền Văn chỉ và đền Bảo Khánh chăng?

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Mây là áo, gió là xe
Sáng chơi Đâu Xuất, chiều mê Yên Hà.
Người đời muốn hỏi tên ta?
Quỳnh Hoa tiên nữ mờ xa Thiên Đình.
[2] Linh thiêng của linh, Thiên Bản trang hoàng tiên phủ đệ
Mẫu trong các mẫu, Tây Hồ hương hoả chốn từ tôn.

©NCCông 2011-2020, West Lake temple