636 Mausoleum of Pham Don Nghi
Lăng Phạm Đôn Nghị
Lê trung hưnglăng mộh.Hoài ĐứcLăng đá Phạm Đôn Nghị xây năm 1734. Mai táng: Quận công Phạm Đôn Nghị. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1964). Vị trí: 2PC5+PV, xóm Cây Gạo, xã Lại Yên, H. Hoài Đức, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 18 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Qua lối rẽ vào UBND xã An Khánh trên đại lộ Thăng Long (xe 74, 87, 88, 107, CNG01)
Địa lý
Xã Lại Yên nằm ở trung tâm huyện Hoài Đức. Địa giới phía đông giáp xã Vân Canh. Phía tây giáp xã Song Phương. Phía nam giáp 2 xã Song Phương, An Khánh. Phía bắc giáp 3 xã Di Trạch, Kim Chung, và Sơn Đồng. Xã có diện tích 336 ha. Dân số năm 2022 là 8.500 người, mật độ đạt 2.529 người/km².
Du khách từ trung tâm Hà Nội đi về phía tây rồi lên một trong các xe bus số 74, 87, 88, 107, CNG01 chạy trên đại lộ Thăng Long. Đến điểm dừng "Qua lối rẽ vào UBND xã An Khánh" thì xuống xe và đi bộ gần 2km về phía bắc tìm vào lăng quận công Phạm Đôn Nghị ở thôn Lại Yên.
- Cửa vào đền đá Phạm Đôn Nghị. Ảnh NCCong ©2020
Lược sử
Đất nước ta thời Lê trung hưng (1533-1789) lâm vào cảnh nội chiến liên miên. Tại Đàng Ngoài, vua Lê hoàn toàn trở thành bù nhìn trong tay chúa Trịnh. Tầng lớp võ quan thái giám rất đông đúc và nắm gần hết quyền lực thực tế. Việc xây lăng mộ kiên cố là cách lưu danh hậu thế lâu bền nên sớm trở thành phong trào. Nhiều vị quan to đã để lại một kiểu lăng đá có phong cách và qui mô khá giống nhau.
Phạm Đôn Nghị (1728-1789) từng làm chưởng đốc Sơn Tây và đốc lĩnh Hải Dương, Kinh Bắc. Ngài được ban tước quận công do có tài chỉ huy voi trận dẹp yên nhiều cuộc nổi dậy. Cũng như hai người đồng hương làm tướng của thế hệ trước là quận công Phạm Mẫn Trực (cậu ruột) và đề đốc Phạm Nguyễn Công (1685-1728), Phạm Đôn Nghị rất giàu có và đã giúp đỡ nhân dân sở tại xây dựng làng quê.
- Phù điêu nhà bia Phạm Đôn Nghị. Photo NCCong ©2020
Ngài mất ngày 30 tháng 5 âm lịch, sau được tôn làm phúc thần tại đình Lại Yên. Cả 3 vị tướng nói trên đều cho xây lăng ở cánh đồng làng Lại Yên, huyện Hoài Đức, nay thuộc TP Hà Nội. Hiện nay, đa số giới nghiên cứu nhận định 3 di tích đó đang bảo tồn những giá trị kiến trúc mỹ thuật rất quý của Việt Nam hồi thế kỷ XVIII.
Ngày 13-1-1964, lăng quận công Phạm Đôn Nghị [và lăng quận công Phạm Mẫn Trực] đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đến ngày 17-9-1993 hai di tích lăng được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận lại.
- Tượng võ sĩ dắt ngựa. Photo NCCong ©2020
Kiến trúc và di vật
Trong ba khu lăng mộ ở Lại Yên, hiện còn nguyên vẹn nhất là lăng Phạm Đôn Nghị. Khuôn viên sau trùng tu có diện tích khoảng 850m2, xung quanh xây tường đá ong, cổng nhìn về phía tây nam. Trước lăng là sân giữa rồi đến toà tiền tế 3 gian. Tại sân giữa có tượng đôi chó đá ngồi canh cửa lăng. Cửa này xây rất thấp, người vào phải cúi đầu.
Lăng cũng được bao bọc bằng tường đá ong, dày khoảng 0,5m. Mộ quận công gồm một tảng đá nguyên khối đặt ở huyệt đá dày 0,6m, rộng 1,5m, dài 3,5m, mặt mộ có khắc nổi 3 chữ Hán "Tướng Công Mộ". Phần đền thờ gồm 3 nhà đá nhỏ, mái cũng bằng đá. Nhà giữa có bệ đá, hai đầu hồi bằng đá khắc ngọc phả, dày 0,4m, cao 2m, dài 3m. Một hương án đá đặt trước nhà giữa.
- Phần đền đá trong lăng Phạm Đôn Nghị. Photo NCCong ©2020
Hai bên chỗ dâng lễ là hai bàn đá cao khoảng 1m rồi đến hai nhà bia với hình võ sĩ khắc trên cột đá. Các bia có chạm hoa văn tinh xảo và ghi niên hiệu Cảnh Hưng 15 (1754). Phía trước bia là một khoảng sân nhỏ, gần hai góc tường có tượng đá tạc hình võ sĩ vác vũ khí đứng bên cạnh ngựa chiến.
Di tích lân cận
- Chùa Kim Hoàng
- Chùa Hậu Ái
- Chùa Quán Chiền
- Đình làng Hậu Ái
- Đình làng Kim Hoàng
- Đình làng Miêu Nha
©NCCông 2020, Mausoleum of Pham Don Nghi