653 Long Quang pagoda

Chùa Tứ Hiệp (Long Quang Tự)

huyện Thanh Trìthời Lê trung hưngsông Tô Lịch

Chùa Tứ Hiệp có từ thế kỷ XVIII. Tên chữ: Long Quang Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: thôn Cổ Điển B, WVW3+G2 Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 9,2 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: ĐD Trường Tiểu học Tứ Hiệp (xe 08B, 08Bct).

Du khách từ trong nội thành Hà Nội có thể lên xe bus tới bến xe Giáp Bát đổi sang xe 08B hoặc 08Bct chạy theo đường QL1A về hướng nam, qua cầu Văn Điển đến trạm dừng “ĐD Trường Tiểu học Tứ Hiệp” thì xuống rồi đi bộ khoảng 300m về phía đông nam sẽ tới chùa Tứ Hiệp.

Giới thiệu

Chùa có tên chữ là Long Quang Tự, hiện nằm trên đường Cương Ngô, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVIII trên một khu đất cao ráo, liền kề với ngôi đình Ba Dân nổi tiếng của làng Cổ Điển, thuộc xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Trải qua gần 3 thế kỷ, chùa đã nhiều lần được trùng tu.

Cổng ngoài chùa Long Quang. Photo ©NCCong 2023

Ngày 25-1-1994, chùa Long Quang [và đình Ba Dân] đã được Bộ Văn Hoá – Thông Tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chùa Tứ Hiệp có quy mô khá rộng với nhiều hạng mục công trình xây dựng nằm liền kề nhau tạo nên một không gian khép kín cho toàn bộ khu di tích được bố trí theo kiểu “tiền Thần, hậu Phật”. Cổng tam quan ngoại xây hai tầng tám mái, tầng dưới mở ba cửa vòm, hai bên có hai cột trụ, đỉnh trụ gắn hình bốn con chim phượng chụm vào nhau, thân trụ tạo gờ nổi, bên trong đắp câu đối chữ Hán. Trước tam quan nội là ao chùa mới được xây tường đá bao quanh.

Chùa có mặt bằng xây dựng hình “chữ Công”. Toà tiền đường gồm năm gian, xây kiểu “tường hồi bít đốc tay ngai”, hai mái lợp ngói mũ, bờ nóc có đắp hình hổ phù cách điệu. Bên trong là bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu “thượng giá chiêng, chồng rường, hạ rường nách, quá giang trốn cột”.

Cổng trong chùa Long Quang. Photo ©NCCong 2014

Toà thượng điện gồm bốn gian nhà ngang, được nối liền với toà tiền đường bằng ba gian thiêu hương làm theo kiểu “tường hồi bít đốc tay ngai”. Kết cấu bộ vì đỡ mái của thiêu hương và thượng điện được làm theo kiểu “chồng rường, giá chiêng”, xà nách đăng đối. Nhà Mẫu nằm ở phía sau chùa chính, hai bên là hai dãy hành lang với nhà khách và nhà thờ Tổ.

Di vật

Hiện trong chùa còn lưu giữ được các di vật với nhiều chất liệu khác nhau có niên đại trải dài từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX như: khánh đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối, cửa võng, y môn, đặc biệt là bộ sưu tập tượng tròn gồm 52 pho tượng Phật, Bồ Tát, tượng Mẫu, tượng Tổ được tạo tác công phu tỉ mỉ. Trong số các pho tượng kể trên, tượng A Di Đà, tượng Quan Âm Chuẩn Đề có niên đại khoảng đầu thế kỷ XVIII là những pho tượng có giá trị nghệ thuật tiêu biểu nhất. Các tượng còn lại mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn – thế kỷ XIX – XX.

Sân chùa Long Quang. Photo ©NCCong 2022

Trong toà tiền đường có đặt các bộ tượng hộ pháp Khuyến Thiện, Trừng Ác và Đức Ông, Thánh Tăng. Trong toà thiêu hương và thượng điện có xây bệ gạch xếp cao dần làm nơi đặt tượng của các vị Phật và Bồ Tát. Tại đây còn treo các bức hoành phi đề chữ Hán như: “Cam lộ môn” (Cửa cam lộ), “Tuệ nhật tường vân” (Vầng tuệ mây lành). Các mảng chạm khắc thanh thoát với hoa văn và đề tài truyền thống như: tứ linh, rồng mây, hoa lá, v.v. mang đậm phong cách nghệ thuật trang trí thời Nguyễn.

Di tích lân cận

©NCCông 2014-2020, Tu Hiep pagoda