658 Kieu Ki village hall

Đình Kiêu Kị

h.Gia Lâmnhà TrầnThần Nông

Đình Kiêu Kị có từ thế kỷ XVII. Thờ: Thần Nông, tướng Nguyễn Chế Nghĩa, công chúa Nguyệt Hoa, tiến sĩ Nguyễn Quý Trị - tổ nghề dát vàng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: XXM2+XQ, Gia Lâm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 16km (hướng 4h). Trạm bus: Trường mầm non Sao Mai - ĐT179.

Giới thiệu

Làng Kiêu Kị thuộc xã Kiêu Kị, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, cách BĐX Bờ Hồ 16km về phía đông nam. Tổng số dân năm 2012 là 12.000 người, diện tích toàn xã là 588ha; trong đó đất nông nghiệp 328ha chiếm 59,95%; đất chuyên dùng 155,5ha chiếm 28,40%; đất dân cư 61 ha chiếm 11,13%. Xã nằm trải dài theo trục đường ĐT179, từ quốc lộ QL5 đến đình làng chỉ cách khoảng 1km. Xã trước kia thuộc tổng Đa Tốn, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc, năm 1912 chuyển sang phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Làng Kiêu Kị có tên nôm Cầu Cậy, nổi tiếng với nghề dát vàng quỳ, bên cạnh nghề làm đồ da và giả da. Tương truyền xưa kia mỗi ngày dân làng thường giết một con trâu để lấy da nấu keo làm mực nho. Thủ trâu được đưa lên tế lễ thành hoàng, nên có câu: "Sống làm trai Bát Tràng. Chết làm thành hoàng Kiêu Kỵ". Đây vốn là thái ấp do vua ban cho tướng Nguyễn Chế Nghĩa vì đã có công giúp nhà Trần đánh bại quân Nguyên-Mông xâm lược. Sau khi mất, ông được dân làng tôn làm thành hoàng.

Tam quan đình Kiêu Kị. Photo: NCCong ©2020

Các thành hoàng khác là Thần Nông, công chúa Nguyệt Hoa - con vua Trần Anh Tông, và Nguyễn Quý Trị - tổ nghề dát vàng quỳ. Ông Trị người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (Hải Dương), đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang, Hàn lâm Viện trực học sĩ. Một lần nhân đi sứ sang Trung Quốc ông đã học được nghề dập dát vàng bạc đem về dạy và được dân Kiêu Kị tôn làm Tổ nghề.

Kiến trúc

Cho đến nay chưa ai tìm ra tư liệu nào ghi chính xác niên đại khởi dựng đình Kiêu Kị, tuy nhiên căn cứ vào các sắc phong từ thời Lê qua Tây Sơn đến Nguyễn thì lần trùng tu sớm nhất là vào năm Đức Long nguyên niên (1629). Đình quay mặt về hướng nam, nghi môn mở ra con đường làng. Có thể thấy dáng vẻ di tích chủ yếu mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.

Sân đình Kiêu Kị. Photo: NCCong ©2020

Du khách đi qua sân trước rồ́i đến tam quan nội, hai bên sân có các cây cổ thụ và hai ao sen. Tam quan nội xây dựng theo kiểu hai tầng hai mái, 3 gian 2 dĩ. Toà tiền tế ở cuối sân mới được trùng tu, nền cao, gồm 5 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc tay ngai, kết nối với ống muống và cung cấm thành hình “chữ Công”. Phần gỗ bên trong đại đình chủ yếu chỉ bào trơn đóng bén, trang trí khá đơn giản.

Di sản

Trong đình Kiêu Kị và ngôi đền bên cạnh hiện có 32 đạo sắc phong, sớm nhất là vào năm Đức Long nguyên niên, đời Lê Thần Tông (1629). Ngoài ra, còn lưu giữ được 03 cỗ kiệu bát cống mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX, khám thờ, sập thờ, hương án, hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ tự khác. Đền cũng quay mặt về hướng nam, nhìn ra bức bình phong và hồ nước. Toà tiền tế 3 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc tay ngai, kết nối với cung cấm thành hình “chữ Đinh”.

Bên hông đình Kiêu Kị. Photo: NCCong ©2020

Phía sau đình và đền là ngôi chùa làng mang tên chữ Sùng Phúc Tự. Đây là một ngôi chùa lớn và được trùng tu năm 2019-2020. Du khách đi qua tam quan, sân chùa, rồi lên hàng hiên cột đá bước vào toà tam bảo. Tiền đường 5 gian cửa bức bàn, tường hồi bít đốc tay ngai, kết nối với thượng điện 4 gian thành hình “chữ Đinh”. Nhà thờ Tổ, thờ Mẫu được xây ở phía sân hậu, năm 2019 bị hư hại nặng nên cũng sẽ phải sửa. Ngoài ra còn có 2 nhà giải vũ và vườn tháp.

Đời sau tổ chức lễ hội tế Tổ nghề vàng quỳ vào các ngày 11-12 tháng Giêng âm lịch và 16-17 tháng Tám âl. hàng năm. Những dân dùng vàng quỳ trong nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối, hoặc làm hàng sơn mài ở các nơi khác cũng tế Tổ nhân dịp này.

Đền và chùa Kiêu Kị. Photo: NCCong ©2020

Năm 1996 cụm di tích đình, đền và chùa Kiêu Kị đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCong 2020, Kieu Ki village hall