659 Hoang Trung temple

Đền Hoàng Trung

huyện Thanh Oaisông Đáythời Đinh

Đền Hoàng Trung có từ khoảng thế kỷ XIII. Thờ: Cao Y, Lưu Cơ (tướng nhà Đinh). Lễ hội: từ 12 đến 15–3 âm lịch. Xếp hạng: Di tích tỉnh Hà Tây (cũ). Vị trí: RQ2P+FJ, Cầu Kênh 4, xã Hồng Dương, H. Thanh Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 35km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Đd cổng làng Ngọc Đình - QL21B (xe 78, 91, 103a, 103b).

Địa lý

Địa danh Thanh Oai được sử chép khi lập huyện Thanh Oai vào năm 1207 dưới triều vua Lý Cao Tông (1176–1210). Hồng Dương là một xã thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội, ngày nay gồm có 7 thôn: Hoàng Trung, Tảo Dương, Ba Dư, Mạch Kì, Phương Nhị, Ngô Đồng, Ngọc Đình. Theo bản thần tích viết năm 1573, tướng của Đinh Bộ Lĩnh là Lưu Cơ đã từng dẫn quân tới đây và lập ra thôn Hoàng Hoa. Năm Dương Đức thứ ba (Ất Mão 1675), tên Hoàng Hoa cũng có trong đạo sắc đầu tiên của triều vua Lê Gia Tông phong Lưu Cơ làm thành hoàng làng này.

Ao sen đền Hoàng Trung. Ảnh NCCong ©2020

Sách “Các trấn tổng xã danh bị lãm” viết năm 1810–1813 dưới đời vua Gia Long, có ghi: Hoàng Hoa thuộc tổng Tuyền Cam, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam. Trấn là đơn vị hành chính được đặt vào thế kỷ XV, đến đời Minh Mạng thì chia nhỏ ra các tỉnh. Trấn Sơn Nam là vùng nam Thăng Long gồm 11 phủ, trong đó có 42 huyện. Phủ Ứng Thiên có 4 huyện: Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh, Hoài An. Đến năm đầu đời vua Thiệu Trị (Tân Sửu 1841) do kiêng tên thái hậu Hồ Thị Hoa nên thôn Hoàng Hoa đổi tên thành Hoàng Mộc, ngụ ý có nghề buôn gỗ. Tên này cũng được viết tại sắc phong thánh Mẫu dưới triều Tự Đức năm thứ 6 (Quí Sửu 1853).

Năm 1831, vua Minh Mạng thành lập tỉnh Hà Nội, gồm phần lớn đất trấn Sơn Nam cũ, trong đó có huyện Thanh Oai, do đó thôn Hoàng Mộc thuộc tỉnh Hà Nội. Khoảng 40 năm sau đó không rõ vì sao đổi tên thành thôn Hoàng Trung, được ghi trong sắc phong của triều Đồng Khánh năm thứ 2 (Đinh Hợi 1888). Năm 1947, thôn Hoàng Trung thuộc xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Cuối thế kỷ XX, Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Sơn Bình rồi tỉnh Hà Tây, từ năm 2008 thuộc về TP Hà Nội.

Cổng đền Hoàng Trung. Ảnh NCCong ©2020

Làng Hoàng Trung phía nam liền thôn Mạch Kì, phía tây là thôn Ngọc Đình (2 thôn này cùng xã Hồng Dương), phía bắc giáp thôn Tiên Lữ (xã Dân Hoà), phía đông giáp thôn Châu Mai (xã Liên Châu). Diện tích đất canh tác hơn 852 mẫu; trong đó có nhiều công điền như ruộng chùa, ruộng họ, ruộng giáp v.v.. Cánh đồng lớn nhất là Đống Sung, Song Nai… tiếp giáp thôn Châu Mai. Đất thổ cư rộng 52 mẫu, kéo dài suốt từ xóm Thủy tới xóm Tiếu. Xưa kia nhà cửa thưa thớt với nhiều gò đống, ao chuôm, xung quanh có luỹ tre dầy bao bọc gọi là luỹ bành lao.

Đền Hoàng Trung. Ảnh NCCong ©2020

Ngoài làm ruộng và buôn gỗ, gần đây dân làng có thêm nghề làm giò chả đang mang lại thu nhập chính với bình quân đầu người xấp xỉ 30 triệu đồng/năm. Hầu hết nhà cửa được xây lại khang trang, cả thôn chỉ còn 14 hộ nghèo, 100% đường giao thông đã được bê tông hóa. Nên nhớ xưa chỉ có một con đường thiên lý Bắc—Nam chạy qua đầu làng Hoàng Trung. Đến thế kỷ XX ở cạnh làng mới có đường quốc lộ 22 (nay là QL21b) chạy dọc sông Đáy và năm 1963 mở thêm một đường quân sự (tức Cầu Kênh 4) kéo ngang qua làng tới xã Liên Châu.

Lược sử

Đền là nơi thờ hai vị thành hoàng Cao Y, Lưu Cơ đã sáng lập ra làng Hoàng Trung. Lưu Cơ từng được hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh phong chức Đại Thống chế tướng quân và cho trông coi thành Đại La. Bên cạnh đền còn có ngôi miếu thánh Mẫu thờ phu nhân của đức thành hoàng.

Ngôi đền làng Hoàng Trung đã được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là di tích lịch sử - văn hoá vào năm 1999.

Hậu cung đền Hoàng Trung. Photo ©NCCong 2021

Kiến trúc và di sản

Đền làng Hoàng Trung nhìn qua một sân gạch dài về phía tây nam, xung quanh có tường bao, bức tường phía bắc chạy dọc đường Cầu Kênh 4. Cổng tam quan khá đồ sộ mở ra con đường làng giáp với một hồ sen và công viên thoáng mát. Toà tiền tế được trùng tu vào cuối thế kỷ XX, gồm 7 gian nằm dưới bóng cây cổ thụ, xây đơn giản, tường hồi bít đốc. Phía sau tiền tế còn có trung đường và cung cấm xếp song song tạo thành hình “chữ Tam”, ở giữa có khe lấy sáng. Đặc biệt là 3 nếp nhà này lại được bài trí theo chiều dọc thành hai nửa đối xứng qua trục thần đạo để thờ nhị vị thành hoàng.

Trước kia lễ hội làng thường diễn ra hàng năm vào tiết Thanh minh và kéo dài suốt 8 ngày từ 12 đến 19 tháng 3 âm lịch. Sau này để tránh tốn kém nên hội chính được tổ chức 4 năm chỉ một lần và thu gọn lại trong 3 ngày từ 12 đến 15 tháng 3 âm lịch. Trong dịp này thường có đám rước các cỗ kiệu và sau đó diễn ra những trò chơi dân gian, văn nghệ.

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2021, Hoang Trung temple