663 Khoan Te community hall
Đình Khoan Tế
h.Gia Lâmsông HồngLong ĐỗĐình Khoan Tế có từ thế kỷ XVII. Thờ: thần Long Đỗ (Bạch Mã) và thủy thần Phùng Kha đại vương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: XWMJ+54, Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15km (hướng 4h). Trạm bus lân cận: Đd CS Đa Tốn trên DT378 (xe 47a, 47b).
Địa lý
Làng Khoan Tế tên gốc là Quán Hồng, năm 1848 đổi thành Khoan Hồng, sau vì kiêng húy vua Tự Đức mà phải đổi tiếp thành Khoan Tế. Làng hiện nay thuộc xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Đa Tốn là vùng đất cổ còn lưu lại nhiều dấu tích của văn hóa Đông Sơn như thạp đồng, vũ khí, tiền cổ và các dụng cụ khác bằng đồng. Xã có diện tích 716 ha và hơn 3000 hộ dân với khoảng 12.000 người sống trong 5 thôn: Khoan Tế, Thuận Tốn, Đào Xuyên, Lê Xá, Ngọc Động.
Xã Đa Tốn ở gần sông Hồng, vết tích của những lần thay đổi dòng chảy là con Đầm Dài - về sau bị chia thành ao hồ trước mặt các đình, chùa của hai làng Thuận Tốn và Khoan Tế. Theo truyền thuyết trâu vàng Kim Ngưu nghe tiếng mẹ gọi bèn chạy từ Văn Giang (Hưng Yên) về Hồ Tây; dọc đường đi đã làm lún một phần cánh đồng thành con Đầm Dài.
- Đình chùa Khoan Tế. Photo NCCong ©2020
Lại có thuyết nói đầm là khúc cạn của sông Đài Bi thời cổ, vốn là một nhánh lượn vòng của sông Nghĩa Trụ trước khi đổ vào sông Hồng. Sông Đài Bi từ năm 1961 đã được cải tạo thành một nhánh của con kênh Bắc Hưng Hải.
Lược sử
Tương truyền vào một ngày năm xưa có cây gỗ thiêng nổi trôi trên khúc sông Đài Bi chảy qua đây, nay là hồ nước trước cổng chùa và cổng đình Khoan Tế. Dân làng vớt lên được một đoạn đem về làm bài vị thờ thành hoàng trong đình, đoạn còn lại trôi xuống địa phận làng Giang Cao (sau thuộc xã Bát Tràng) cũng được dân làng này lấy về làm bài vị. Hai làng kết chạ với nhau, theo tục lệ cũ cứ ba năm một lần dân làng Khoan Tế lại rước kiệu vượt qua đường Con Voi sang Giang Cao để dự hội thi luộc gà, đóng oản, thổi cơm thi.
- Sân đình Khoan Tế. Ảnh: NCCong ©2020
Năm 1996, chùa Cự Đà được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Đình Khoan Tế được trùng tu vào đầu thế kỷ XXI. Mặt đình quay về phía tây nhìn ra hồ nước qua sân gạch, con đường làng và bức bình phong với 4 trụ biểu mới xây có đắp cuốn thư ở giữa và 2 hình rồng ở hai bên. Mái đình đều lợp ngói ri, bờ nóc đắp hình con kìm chầu mặt nguyệt ở giữa, các đầu đao hình rồng uốn cong bốn góc. Đại đình gồm 3 gian 2 chái rộng, được kết nối với toà thượng điện theo hình “chữ Đinh”. Cổng ngách dẫn du khách vào sân hậu, nơi có 2 nhà giải vũ 3 gian ở sát hai bên thượng điện.
- Hồ đình Khoan Tế. Photo ©2020 NCCong
Di sản
Khoan Tế vốn là một ngôi làng nhỏ, năm 1928 mới có 794 nhân khẩu. Tuy nhiên số lượng di tích văn hoá ở đây rất phong phú. Cách đình Khoan Tế chỉ một con ngõ là ngôi chùa làng có tên chữ Cự Đà Tự, được xây dựng từ đầu thế kỷ XVII và hiện nay đang trùng tu sau vụ hoả hoạn lớn ngày 10-1-2020 thiêu rụi cả toà Tam bảo. Trong chùa có nhiều tượng Phật giáo bằng gỗ, nổi tiếng nhất là pho Quan Âm với 24 cánh tay, ngoài ra còn giữ được một số bia và chuông, khánh cổ.
Làng còn thờ một vị thủy thần gọi là Phùng Kha đại vương tức Thánh Em. Tại đầu làng Khoan Tế, ngay trên con đường Đa Tốn đi qua chợ Bún có ngôi đền Ngoài hay đền Thượng, nơi thờ thần Long Đỗ (Bạch Mã), được xem như vị thần trấn giữ phía đông của kinh thành Thăng Long, dân làng quen gọi là Thánh Anh. Không ai biết đích xác ngôi đền khởi dựng từ bao giờ nhưng tấm bia đá ở đây có ghi rõ việc trùng tu vào năm Đức Long 4 (1632).
- Bên hông đình Khoan Tế. Ảnh: NCCong ©2020
Di tích lân cận
- Chùa Đào Xuyên: thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn.
- Chùa Linh Ứng: thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn.
- Chùa Khoan Tế (Cự Đà Tự): thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn.
- Đình Bát Tràng: thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng.
- Đình Đông Dư Hạ: thôn Đông Dư Hạ, xã Đông Dư.
- Đình Ngọc Động: thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn.
©NCCong 2015-2020, Khoan Te community hall