664 Khoan Te pagoda

Chùa Khoan Tế (Cự Đà Tự)

h.Gia LâmLê trung hưngsông Hồng

Chùa làng Khoan Tế có từ thế kỷ XVII. Tên chữ: Cự Đà Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: XWJJ+X2, thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn, H. Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 15 km (hướng 4 h). Trạm bus lân cận: Đd CS Đa Tốn trên DT378 (xe 47a, 47b)

Địa lý

Làng Khoan Tế tên gốc là Quán Hồng, năm 1848 đổi thành Khoan Hồng, sau vì kiêng húy vua Tự Đức mà phải đổi tiếp thành Khoan Tế. Làng hiện nay thuộc xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Đa Tốn là vùng đất cổ còn lưu lại nhiều dấu tích của văn hóa Đông Sơn như thạp đồng, vũ khí, tiền cổ và các dụng cụ khác bằng đồng. Xã có diện tích 716 ha và hơn 3000 hộ dân với khoảng 12.000 người sống trong 5 thôn: Khoan Tế, Thuận Tốn, Đào Xuyên, Lê Xá, Ngọc Động.

Xã Đa Tốn ở gần sông Hồng, vết tích của những lần thay đổi dòng chảy là con Đầm Dài - về sau bị chia thành ao hồ trước mặt các đình, chùa của hai làng Thuận Tốn và Khoan Tế. Theo truyền thuyết trâu vàng Kim Ngưu nghe tiếng mẹ gọi bèn chạy từ Văn Giang (Hưng Yên) về Hồ Tây; dọc đường đi đã làm lún một phần cánh đồng thành con Đầm Dài.

Phật điện mới của chùa Khoan Tế. Photo ©NCCong 2022

Lại có thuyết nói đầm này là khúc cạn của con sông Đài Bi thời cổ, vốn là một nhánh lượn vòng của sông Nghĩa Trụ trước khi đổ vào sông Hồng. Đài Bi từ năm 1961 đã được cải tạo mở rộng thành một nhánh kênh của công trình thủy nông Bắc Hưng Hải.

Lược sử

Chùa làng Khoan Tế tên chữ là Cự Đà Tự. Căn cứ vào nội dung của tấm bia đá ghi việc trùng tu chùa với niên đại Đức Long thứ 6 (1634) dưới đời vua Lê Thần Tông thì chùa phải được xây dựng từ trước năm đó.

Năm 2008-2009, UBND TP Hà Nội đã đầu tư cho tu bổ lại chùa Khoan Tế nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tam quan chùa Khoan Tế. Photo ©NCCong 2015

Năm 1996, Bộ Văn hoá - Thông tin đã xếp hạng chùa Khoan Tế là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chùa có diện tích lớn tổng cộng khoảng 6.000m2, toạ lạc trên thế đất khá cao ráo, phía trước là hồ nước dài, bên hữu có đình Khoan Tế chỉ cách một con ngõ. Cổng tam quan được xây dựng theo kiểu 2 tầng, trổ 3 cửa, lát bậc đá, hai bên là hai trụ biểu được đắp nổi các đề tài long, li, quy, phượng. Từ tam quan du khách đi qua một sân gạch rộng dẫn đến chùa chính. Tam bảo quay mặt về hướng tây, nhìn qua sân trước và tam quan ra hồ nước.

Chùa được cấu trúc theo kiểu truyền thống hình “chữ Đinh”. Tiền đường 5 gian 2 dĩ, thượng điện 4 gian. Giữa nóc tiền đường có đắp 3 chữ Hán “Cự Đà Tự” và phía trước hai bức tường hồi là hai trụ biểu được trang trí các đề tài tùng, lộc, mai, chim, thú. Vườn tháp nằm ở bên tả.

Nhà khách mới của chùa Khoan Tế. Photo ©NCCong 2022

Hiện nay chùa đang được xây lại khá hoành tráng trên nền cũ. Vụ hoả hoạn lớn ngày 10-1-2020 đã thiêu rụi toàn bộ tam bảo, bao gồm các toà tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Rất may mắn là tam quan cùng hai dãy tả hữu mạc, nhà thờ Mẫu và nhà Tổ vẫn còn nguyên vẹn.

Di sản

Sau tam quan có 2 tấm bia đá được dựng năm 1634 và 1922, nội dung đều ghi việc trùng tu sửa chữa chùa Khoan Tế. Bên trong khuôn viên của chùa có một ngôi đền nhỏ thờ thành hoàng làng là Phùng Kha đại vương tức Đức Thánh Em - một vị thủy thần đóng vai trò tâm linh quan trọng với cư dân trồng lúa nước. Ngoài ra trong đền còn có một bộ bát bửu và những hiện vật rất quý như 7 đạo sắc phong của các triều đại từ Lê trung hưng đến Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Đình chùa Khoan Tế. Photo NCCong ©2020

Chùa có một hệ thống đầy đủ tượng Phật giáo Bắc tông. Tại tiền đường đặt tượng Thánh Tăng, Đức Ông và tại thiêu hương có hai hàng tượng Thập điện Diêm vương. Trên cùng trong thượng điện có ba pho tượng Tam thế Phật, tiếp đến là Phật A Di Đà, hai bên có Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Tiếp theo là Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở giữa tượng Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền, hàng cuối cùng là toà Cửu Long, bên phải có tượng Quán Thế Âm toạ sơn, bên trái là tượng cung phi Trịnh Thị Ngọc Am, người có công trùng tu chùa ở thế kỷ XVII.

Di tích lân cận

©NCCong 2015-2020, Khoan Te pagoda