68 Balances street

Phố Hàng Cân

Phố Hàng Cân dài 104m, đi từ ngã phố Chả Cá—Lãn Ông xuống phía nam nối với ngã phố Lương Văn Can—Hàng Bồ. Nay thuộc: phường Hàng Bồ, Hàng Đào. Vị trí: 2RMX+XQ, P. Hàng Bồ, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 400m (hướng 11h). Trạm bus lân cận: cuối phố Hàng Cân (xe 31), BĐX Bờ Hồ (09, 14, 36)

Lược sử

Tên phố Hàng Cân xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ 19, trước đó gọi là phố Hàng Sơn (rue de la Laque), đoạn phía bắc có tên Hàng Sơn dưới, đoạn phía nam có tên Hàng Sơn trên. Phố nằm trên đất thôn Hữu Đông Môn và thôn Xuân Hoa, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Đến giữa thế kỷ XIX, thôn Xuân Hoa hợp với thôn Yên Hoa thành thôn Xuân Yên và tổng Tiền Túc đổi là tổng Thuận Mỹ. Dấu vết của hai thôn nay chỉ còn lại đền Xuân Yên của thôn Xuân Hoa cũ ở số 44 phố Hàng Cân và đền Xuân Yên của thôn Yên Hoa cũ ở số 6A phố Lương Văn Can. Dấu tích làng Hữu Đông Môn thì còn đình Đông Môn ở số 8 phố Hàng Cân, xưa kia ở gần con đường dẫn đến Cửa Đông thành Hà Nội.

Đầu phố Hàng Cân. Ảnh NCCong ©2023

Thủa còn sông Tô Lịch, thuyền chở sơn từ Phú Thọ về Hà Nội ghé đến tận khoảng giữa các phố Hàng Cá—Hàng Buồm, hai bên bờ có nhiều nhà buôn sơn. Sau khi sông Tô bị lấp, thuyền buôn phải đỗ ngoài bến Phúc Tân và sơn được bán nhiều ở các phố Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu. Trên phố Hàng Sơn cũ dần dần xuất hiện một số cửa hàng làm và bán cân nên người dân chuyển sang gọi là phố Hàng Cân.

Lịch sử nghề làm và bán cân ở Hà Nội cũng mới bắt đầu vào cuối thế kỷ XIX. Cân bán trên phố hồi ấy gồm mấy loại khác nhau. Cân tiểu ly dùng để cân vàng, bạc, thuốc bắc, loại cân này có hộp gỗ bảo vệ bên ngoài. Cân cán gỗ có đóng đinh đồng để cân hàng khô, gọi là cân ta[1]. Vào những năm 1940 các loại cân cán sắt, cán treo, cân đĩa, cân bàn ngoại tràn vào làm cho nghề làm cân ta bị mai một. Phố Hàng Cân chỉ còn tên, không còn cửa hàng nào sản xuất và bán cân ta nữa.

Nhà cũ trên phố Hàng Cân. Ảnh NCCong ©2013

Cuối thế kỷ XX giấy vụn bỗng có giá. Phố Hàng Cân xuất hiện nhiều cửa hàng thu mua giấy vụn, giấy mua về được phân ra, loại nhỏ bán cho các cửa hàng xôi, lạc rang, ô mai... làm giấy gói hàng, loại lớn hơn bán cho mấy "chú Hoa Nam" nhuộm phẩm màu xanh đỏ tím vàng làm hàng mã, loại "khổ to" được dán thành "bao bì". Từ bao bì giấy đến bao bì các-tông, hộp xốp đủ kích cỡ để đóng kiện hàng vô cùng tiện lợi, vừa đẹp, lại bảo vệ hàng họ, vận chuyển thuận lợi.

Dấu tích

Phố Hàng Cân suốt hàng trăm năm vẫn giữ được vài nét cổ xưa với những ngôi nhà nhỏ một tầng hoặc có căn gác xây theo kiểu chồng diêm. Từ cuối thế kỷ XX, phần nhiều các hộ đã sửa lại nhà để mở cửa hàng hiện đại và sinh sống ở phía sau hoặc trên gác. Dấu tích thôn cũ trên phố chỉ còn đền Xuân Hoa ở số 44 phố Hàng Cân, (thờ Đức Thành hoàng Lân Ngọc) và đình Đông Môn ở số 8 phố Hàng Cân, nay là Thư viện phường Hàng Đào.

Đình Đông Môn ngày nay. Ảnh NCCong ©2013

Đền Xuân Hoa [2] được dựng vào khoảng cuối thời nhà Lê để thờ vị Phúc thần tên là Lân Ngọc, người có công phù giúp cụ Tổ dòng họ Nguyễn dẹp quân Chiêm Thành. Ngoài ra, bên trong đền còn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần và Thánh Mẫu Thượng Ngàn.

Trải qua nhiều lần trùng tu, hiện tại trong đền vẫn giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử nghệ thuật thuộc thế kỷ XIX, thế kỷ XX như 3 tấm bia hậu dựng thời Nguyễn, khắc việc tu sửa đền và công đức, trong đó 1 bia ghi niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (năm 1821), 1 bia niên hiệu Thiệu Trị (1841—1847). Lại có 14 pho tượng tròn sơn son thiếp vàng lộng lẫy, 1 hương án chạm rồng, 1 bộ thiếp vàng, 1 cây quán tẩy chạm rồng, 1 bức cửa võng chạm rồng, 4 cỗ long ngai chạm rồng, 4 khám thờ chạm tứ linh, 1 tấm nghi môn chạm rồng; 1 quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức (1848—1883), 4 đôi câu đối, 6 bức hoành phi sơn son thiếp vàng.

Đền Xuân Hoa, tết Nhâm Thìn. Ảnh NCCong ©2012

Di tích lân cận

©NCCông 2014-2016, Rue des Balances
[1] Một cân ta nặng khoảng 0,605kg.
[2] Gọi theo tên cũ để phân biệt hai ngôi đền hiện nay bị trùng tên: Đền Xuân Yên của thôn Xuân Hoa cũ ở số 44 phố Hàng Cân và đền Xuân Yên của thôn Yên Hoa cũ ở số 6A phố Lương Văn Can.