681 Khuyen Luong ferry terminal

Bến đò Khuyến Lương

q.Hoàng Maisông Hồngthôn làng

Bến đò Khuyến Lương có từ lâu đời, nay gọi là bến đò Trần Phú. Vị trí: XV5V+66, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 12km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Gần UBND phường Trần Phú (xe 48), Trường Mầm Non Trần Phú (04).

Giới thiệu

Làng cổ Khuyến Lương nằm ở phía đông nam Kinh thành Thăng Long xưa, tên Nôm là Kẻ Mui hay Mui Chợ, để phân biệt với Mui Chùa là làng Yên Duyên (nay thuộc phường Yên Sở). Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Khuyến Lương là một xã thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (năm 1831 là tỉnh Hà Nội, từ năm 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).

Trong kháng chiến chống Pháp, thôn Khuyến Lương thuộc xã Vạn Xuân, quận VI, TP Hà Nội. Sau tháng 10-1954, xã Vạn Xuân được chia nhỏ, trong đó có xã Trần Phú (gồm các làng Khuyến Lương, Nam Dư Hạ, Yên Lương) và đưa về huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.

Đến tháng 5-1961, huyện Thanh Trì được sáp nhập vào ngoại thành Hà Nội. Tháng 11-2003, khi thành lập quận Hoàng Mai thì xã Trần Phú được chuyển thành phường.

Chuyến đò chiều. Photo NCCong ©2020

Bến đò

Khuyến Lương nằm bên bờ nam sông Hồng. Đầu làng có bến đò, hàng ngày chở người và xe nhỏ sang huyện Gia Lâm. Bên kia sông Hồng, cách bến đò khoảng 3km về phía đông là khu đô thị hiện đại Ecopark, thuộc xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cũng cách như thế về phía đông bắc là làng cổ Bát Tràng nổi tiếng với nghề nung gốm, còn về phía đông nam là ngôi đền Chử Xá linh thiêng thờ Chử Đồng Tử, một vị thần trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Tương truyền vào năm 1390 tướng Trần Khát Chân đã cho quân phục kích bắn chết vua Chế Bồng Nga dẫn thủy binh Champa đi trên thuyền qua khúc sông Hồng ở Khuyến Lương nhằm tiến đánh kinh đô Thăng Long (tài liệu khác ghi là trận đánh xảy ra trên khúc sông Luộc chảy qua Phủ Cừ – Hưng Yên và Hưng Hà – Thái Bình). Từ đó, quân Champa không còn dám đến xâm lược Đại Việt nữa.

Làng Khuyến Lương cũng nằm trong thái ấp của Trần Khát Chân, cho nên dân làng thờ ngài ở trong đình cùng Nguyễn Trãi và hai vị thành hoàng khác không rõ lai lịch. Chính Nguyễn Trãi (1380-1442) đã dạy học ở đây sau khi bị quân Minh giam cầm trong thành Đông Quan và câu thơ “Góc thành Nam, lều một gian” viết về điều này. Khuyến Lương có hai ngôi đền thờ riêng ngài và vợ là bà Nguyễn Thị Lộ.

Đường ra bến đò Khuyến Lương. Photo NCCong ©2020

Khuyến Lương là một trong những bến cổ còn sót lại trên bờ của đoạn sông Hồng chảy qua Thăng Long - Hà Nội. Việc duy trì những con đò Chèm, đò Đông Trù hay đò phà khác dĩ nhiên khó mà cần thiết nữa sau khi xây xong cầu vượt qua. Bến thì cũng không thể tồn tại nếu thiếu đò. Tên tuổi của các bến dần dần sẽ bị quên lãng theo năm tháng, hoạ hoằn mới lưu được dấu vết ở đâu đó khi may mắn có người ghi lại làm kỷ niệm.

Di tích lân cận

©NCCông 2019-2020, Ferry terminal of Khuyen Luong