682 Khuyen Luong community hall

Đình Khuyến Lương

q.Hoàng Mainhà Trầnsông Hồng

Đình Khuyến Lương có từ thế kỷ XVII. Thờ thành hoàng: Trần Khát Chân, Nguyễn Trãi và 2 vị thần không rõ lai lịch. Lễ hội: 9-10 tháng Hai âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: ngõ 88 Khuyến Lương, XV9J+PW, Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam. Cách BĐX Bờ Hồ: 11 km (hướng h). Trạm bus lân cận: Gần UBND phường Trần Phú (xe 48), Trường Mầm Non Trần Phú (04)

Giới thiệu

Đình Khuyến Lương là nơi diễn ra Lễ hội Kỳ Phúc vào hai ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm để dân làng cầu phúc, cầu lộc, cầu tài. Làng nằm ở phía đông nam Kinh thành Thăng Long xưa, tên Nôm là Kẻ Mui hay Mui Chợ, để phân biệt với Mui Chùa là làng Yên Duyên (nay thuộc phường Yên Sở). Đất vùng này còn từng được gọi chung là Cổ Mai hay Cổ Mai Đàm bởi lẽ ở đây có nhiều đầm nước và trồng nhiều loại mai.

Khoảng từ giữa thế kỷ XV, làng có tên chữ Khuyến Lương. Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, đây là một xã thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (năm 1831 là tỉnh Hà Nội, từ năm 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông). Sau tháng 8-1945, thôn Khuyến Lương thuộc về khu Mê Linh, ngoại thành Hà Nội.

Ao đình Khuyến Lương. Photo NCCong ©2020

Trong kháng chiến chống Pháp, thôn Khuyến Lương thuộc xã Vạn Xuân, quận VI. Đến tháng 10-1954, xã Vạn Xuân được chia nhỏ, trong đó có xã Trần Phú (gồm các làng Khuyến Lương, Nam Dư Hạ, Yên Lương) và đưa về huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Tháng 5-1961, huyện Thanh Trì được chuyển về ngoại thành Hà Nội. Tháng 11-2003, xã Trần Phú đổi thành phường khi thành lập quận Hoàng Mai.

Lược sử

Đình làng ban đầu thờ hai vị thần là anh em ruột Châu Uy Thành Vũ và Chân Linh Hiển Từ, không rõ lai lịch. Về sau lại thờ thêm hai vị thành hoàng nữa là tướng Trần Khát Chân (????-1399) và Nguyễn Trãi (1380-1442). Chính Nguyễn Trãi đã dạy học ở đây sau khi bị quân Minh giam cầm trong thành Đông Quan và câu thơ “Góc thành Nam, lều một gian” viết về điều này. Khuyến Lương là làng duy nhất ở Hà Nội có hai ngôi đền thờ riêng ngài và bà Nguyễn Thị Lộ.

Sân trưởc đình Khuyến Lương. Photo NCCong ©2020

Tương truyền vào năm 1390 tướng Trần Khát Chân đã cho quân phục kích bắn chết vua Chế Bồng Nga đang dẫn thủy binh Champa đi trên thuyền ngược sông tiến lên kinh đô Thăng Long. Trần Khát Chân được vua phong lên chức Thượng tướng quân, tước Vũ Tiết quan nội hậu và thưởng cho vùng đất Hoàng Mai làm thái ấp. Năm 1399, ngài và nhiều tướng khác cùng bàn mưu lật đổ quyền thần Hồ Quý Ly nhưng do bại lộ đã bị xử tử cả nhà, tịch thu thái ấp. Đến đầu thế kỷ XV, triều đình nhà Lê biểu dương tấm gương của Trần Khát Chân và cho phép dân Hoàng Mai trong đó có làng Khuyến Lương được thờ phụng ngài.

Đình đã được Hồ chủ tịch về thăm và chúc Tết vào mùng 1 Tết Tân Sửu 15-2-1961. Ngày 13-10-1996, Bộ Văn hóa—Thông tin xếp hạng đình [và chùa] Khuyến Lương là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2006, đình được công nhận Di tích cách mạng kháng chiến vì từng làm kho quân sự trong thời kỳ chống Mỹ và năm 1946 trước đó cũng là nơi khai giảng lớp đào tạo cán bộ công vận đầu tiên.

Đại đình Khuyến Lương. Photo NCCong ©2020

Kiến trúc và di sản

Tam quan ngoại xây kiểu nghi môn mở ra đường làng, nay là ngách 88/46 Khuyến Lương. Phía trong cổng có một sân lớn và tam quan nội quay hướng tây nhìn qua sân này ra ao đình, hai bên là 2 cửa phụ rồi đến đầu hồi của hai dãy tả, hữu mạc 5 gian. Sau cửa chính và cách một sân nhỏ là toà đại bái 3 gian xây tường hồi bít đốc, vì đao giá chiêng, chồng rường, hạ bẩy. Toà phương đình 2 tầng 8 mái vươn cao nối vào chính điện. Tiếp theo là sân sau và toà cung cấm 3 gian, hai bên có vườn cây.

Mảng trang trí chủ yếu bao gồm các đề tài tứ linh và tứ quý, đặc biệt hình rồng ở đầu dư. Trong đình lưu giữ được nhiều di vật: 10 sắc phong của các triều Lê, Nguyễn; 02 tấm bia đá; 03 hương án sơn thếp vàng. Ngoài ra còn có 02 pho tượng phỗng và 01 bộ đòn kiệu tạo tác vào thế kỷ XVII—XVIII, 01 bộ kiệu bành, 01 khám gỗ, 02 bộ bài vị, cặp ngựa thờ, đôi hạc đồng, cặp rồng đá, 01 cửa võng, 01 y môn, 02 bức hoành phi, 06 đôi câu đối cùng nhiều đồ thờ tự khác như chân nến, lọ hoa, đài nước….

Hữu vu đình Khuyến Lương. Photo NCCong ©2020

Di tích lân cận

©NCCông 2020, Khuyen Luong community hall