Trang nhà > Đình làng > Đình Tăng Phúc (thôn Tiền)
Tang Phuc village hall
Đình Tăng Phúc (thôn Tiền)
Maison communale de Tang Phuc
Thứ Tư 16, Tháng Mười Hai 2020, bởi
Đình Tăng Phúc còn gọi đình thôn Tiền, có từ thời Lê. Thờ thành hoàng: Thần Độ Bảo Ninh Quốc, Chu Lý, Cao Sơn. Lễ hội: 12/2; 12/8 và 12/9 âl. Xếp hạng: Di tích thành phố (2009). Vị trí: 2RP2+3C, ngõ 72 Dương Quảng Hàm, P. Quan Hoa, Q. Cầu Giấy, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 7km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Nguyễn Khánh Toàn - Dương Quảng Hàm (xe 12, 38), 106-108 Cầu Giấy (07, 09B, 16, 20A, 26, 27, 28, 32, 34, 49)
Lược sử
Cuối thời Bắc thuộc, phía tây-nam ngã ba sông Thiên Phù và Tô Lịch đã có các trang tiền thân của thôn Tiền, thôn Trung, thôn Hậu. Đến thời Lê, ba trang này gộp thành xã lấy tên là Dịch Vọng vì tại đây có đặt một trạm dịch trên con đường cái quan nối kinh thành Thăng Long với Sơn Tây (thời Pháp thuộc gọi là Quốc lộ 32). Năm 1491 vua Lê cho lập một sở đồn điền ở đây, sau này là thôn Dịch Vọng Sở. Đầu thế kỷ XVII, có thêm thôn Mai Dịch tách ra từ thôn Dịch Vọng Hậu.
- Sân đình Tăng Phúc. Photo NCCong ©2020
Đầu thời Nguyễn, cả 5 thôn trên thuộc về tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Năm 1831, huyện Từ Liêm cắt về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Năm 1915, xã Dịch Vọng thuộc Đại lý Hoàn Long, năm 1942 thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội. Sau 1954 tách ra thành hai xã Dịch Vọng và Mai Dịch, thuộc quận VI. Từ năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm. Từ tháng 9-1997, hai xã chuyển thành bốn phường của quận Cầu Giấy: Quan Hoa, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu và Mai Dịch.
Thôn Dịch Vọng Tiền gồm 4 xóm, mỗi xóm có một đình riêng. Đình xóm Tăng Phúc còn gọi đình thôn Tiền nay thuộc về phường Quan Hoa - trước năm 1997 phường này vốn là thị trấn Cầu Giấy. Đình thờ 3 thành hoàng: Thần Độ Bảo Ninh Quốc, Thần núi Cao Sơn và Chu Lý đại vương - là một tướng tài của Triệu Việt Vương tức Triệu Quang Phục (?—571, người kế tục Lý Nam Đế lãnh đạo quân dân nước Vạn Xuân chống lại cuộc xâm lược của nhà Lương).
Kiến trúc
Đình Tăng Phúc nằm cạnh đình Đa Phú nhưng mặt quay về phía đông-nam mở ra con đường xóm, nay là ngõ 72 phố Dương Quảng Hàm, tam quan xây kiểu nghi môn với 4 trụ biểu đắp câu đối chữ Hán. Sau nghi môn là lối đi giữa vườn cây, bên trái có nhà bia rồi đến nhà hữu mạc. Đại bái xây kiểu tường hồi bít đốc, gồm 3 gian 2 chái, cửa gỗ, được kết nối với hậu cung thành hình “chữ Đinh”.
- Cổng ngách và nhà bia đình Tăng Phúc. Photo NCCong ©2020
Di sản
Trong hậu cung đình Tăng Phúc hiện có tấm bia đá ghi rõ nơi đây xưa kia là hương Thái Bình và là quê hương của Lý Thiên Bảo, anh của Lý Bí (Lý Nam Đế). Lễ hội của xóm Tăng Phúc diễn ra mỗi năm 3 lần vào ngày 12 tháng Hai, ngày 12 tháng Tám và ngày 12 tháng Chín âm lịch. Nghi thức chính gồm có đám rước kiệu của tam vị thành hoàng và lễ tế tại đình.
Theo Quyết định số 6710/QĐ-UBND ngày 24/12/2009, đình Tăng Phúc được xếp hạng là di tích lịch sử - kiến trúc - nghệ thuật của thành phố Hà Nội.
Di tích lân cận
- Chùa Duệ (Quảng Khai Tự): ngõ Chùa Duệ Tú, phường Quan Hoa.
- Chùa Hà (Thánh Đức Tự): phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng.
- Chùa Hoa Lăng: ngõ 277 Quan Hoa, phường Quan Hoa.
- Đền Quán Đôi: số 178 Nguyễn Đình Hoàn, phường Nghĩa Đô.
- Đình Duệ Tú: ngõ Chùa Duệ Tú, phường Quan Hoa.
- Đình Đa Phú: ngõ 72 Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa.
Bản đồ trực tuyến
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong