711 Nguyen Trai’s temple

Nhà thờ Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãihuyện Thường Tínsông Tô Lịch

Nhà thờ Nguyễn Trãi có từ cuối thời Lê trung hưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1964). Vị trí: thôn Nhị Khê, VRWQ+643, Thường Tín, Hà Nội, Vietnam. Cách Ga Hà Nội: 19km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Cầu Quán Gánh - QL1A (xe 06, 62, 94, 101).

Địa linh nhân kiệt

Nhị Khê xưa thuộc huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam; nay thuộc huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Du khách đi bus từ nội thành Hà Nội về hướng nam theo quốc lộ QL1A, xuống xe ở điểm Cầu Quán Gánh rồi rẽ phải về hướng Cầu Vân đi bộ chừng 1,6km đến một ngã ba lớn thấy có nhiều cổ thụ thì rẽ trái đi tiếp hơn 400m sẽ thấy cổng thôn Nhị Khê, dân địa phương quen gọi là làng Dũi.

Làng trải dài ven bờ đông sông Tô Lịch, nay vẫn còn các địa danh cổ như: bãi Sếu, đống Hạ, đống Rậm, bờ Ngòi. Tương truyền vào thời Lý, có lần nhà vua đi thuyền rồng từ Thăng Long xuôi về nam tới Trại Ổi thấy dọc hai bờ sông Tô hoa nở rực rỡ, bèn đặt cho làng tên chữ là Nhị Khê.

Đình thôn Nhị Khê. Photo NCCong ©2023

Nơi đây đã sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, trong đó có cha con Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi cùng thi đỗ thái học sinh năm 1400 rồi làm quan nhà Hồ. Nguyễn Phi Khanh 阮 飛 卿 tên thật là Nguyễn Ứng Long 阮 應 龍, gốc làng Chi Ngãi, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sinh khoảng năm 1335 tại Nhị Khê. Nguyễn Trãi 阮 廌 hiệu Ức Trai 抑 齋 (1380–1442), thuở nhỏ sống với ông ngoại Trần Nguyên Ðán tại Côn Sơn thuộc Chí Linh, Hải Dương rồi về quê cha; lớn lên giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, lập ra triều Lê sơ.

Ngoài ra có thể kể thêm: Dương Bá Cung (tham gia sưu tập thơ văn Nguyễn Trãi in thành Ức Trai di tập năm 1868), Lương Văn Can (một trong những người sáng lập trường Đông Kinh nghĩa thục năm 1907), Lương Ngọc Quyến (lãnh tụ khởi nghĩa Thái Nguyên ngày 31/8/1917).

Cổng đền Nguyễn Trãi. Photo NCCong ©2023

Khu di tích

Nhà thờ Nguyễn Trãi vốn dựng ở xóm Trù Lý, đến đời Minh Mạng mới chuyển ra địa điểm bây giờ. Năm 1927 được đại tu theo kiến trúc hình “chữ Ðinh”, năm 1932 xây cổng và tường bao. Bên trong còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như đôi hạc bằng gỗ mang nét chạm thời Lê, hai đạo sắc phong ghi niên hiệu Cảnh Hưng 28 (1768) và Tự Ðức 6 (1854)...

Tượng đài Nguyễn Trãi tại Nhị Khê. Photo NCCong ©2020

Ðền còn có những câu đối chữ Hán như:
Huân nghiệp hách Nam bang văn mưu vũ lược
Khoa danh lưu Việt sử quốc miếu hương từ.

(Công lớn vang nước Nam, tài văn, mưu võ
Danh cao ghi sử Việt, miếu nước, đền làng).

Và:
Mưu vương tướng lược tranh thiên địa
Ưu quốc thần tâm chiếu Đẩu Khuê.

(Mưu sĩ giúp vua, tranh trời đất
Bề tôi lo nước, sáng Đẩu, Khuê).

Năm 1964 nhà thờ Nguyễn Trãi tại Nhị Khê được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia. Năm 2010 UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư tu bổ khu di tích này nhân dịp kỷ niệm 630 năm ngày sinh của ngài. Các hạng mục công trình bao gồm tượng đài và hồ bán nguyệt ở phía trước, nội cung nhà thờ, mộ tổ họ Nguyễn, nhà bia văn chỉ, ao Huê trại Ổi - nơi Nguyễn Phi Khanh dạy học xưa kia.

Trong đền Nguyễn Trãi. Photo NCCong ©2023

Làng nghề

Nhân dân Nhị Khê lại có nghề phụ do tổ nghề là thánh sư Đoàn Tài (hay Doãn Văn Tài?) truyền lại. Ngày ngài hoá là 25 tháng Mười âm lịch, sau trở thành ngày Lễ hội làng nghề. Cho đến nay vẫn còn lưu truyền câu ca dao: Hỡi cô con gái bên sông / Có về Dũi Tiện với anh thì về / Dũi Tiện có cây bồ đề / Có sông tắm mát, có nghề tiện mâm...

Nhiều thợ tiện từ Nhị Khê đã tỏa đi làm ăn kiếm sống ở khắp các tỉnh trong cả nước. Có nơi, họ tập trung cư trú cạnh nhau, lập nên phường hội để hành nghề, vd. tại phố Tô Tịch (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), phố Thợ Tiện (TP Nam Ðịnh), phố Hàng Nón (thị xã Sơn Tây).

Đền Tổ nghề tiện Nhị Khê. Photo NCCong ©2023

Từ cuối thế kỷ XX, nhiều sản phẩm mỹ nghệ bằng các chất liệu như: sừng, ngà, xương, vỏ trai, đá... đã đứng vững cạnh những mặt hàng đồ gỗ thờ tự và gia dụng. Năm 2001, Nhị Khê được công nhận là làng nghề, tuy nhiên nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng xuất hiện.

Di tích lân cận

©NCCông 2020-2021, Nguyen Trai’s temple