713 Quang Ba community hall
Đình Quảng Bá
q.Tây Hồsông HồngBố Cái Đại VươngĐình Quảng Bá còn gọi là Quảng Bố, có từ thế kỷ XI. Thờ thành hoàng: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và 6 vị thần. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: phường Quảng An, 3R8F+Q6Q, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 6km (hướng 11h). Trạm bus lân cận: Số 236 Âu Cơ.
Lược sử
Tương truyền làng Quảng Bố vào cuối thế kỷ VIII là bản doanh của Phùng Hưng khi ngài chuẩn bị tiến đánh thành Tống Bình. Các dấu tích địa danh còn lại đến bây giờ bao gồm: gò Con Mộc (nơi quân sĩ của ngài thao luyện mộc khiên), gò Lá Cờ (nơi cắm cờ tập trận của các vị tướng chỉ huy), gò Bến Trùm (nơi quân lính tập xong xuống tắm), hồ Thủy Sứ (nơi neo đậu chiến thuyền).
Sử cũ chép rằng viên quan của nhà Đường là Cao Bình Chính lúc đó đứng đầu bộ máy cai trị ở An Nam Đô hộ phủ đã sợ quá mà ốm chết trong thành. Phùng Hưng dẫn đoàn quân thắng lợi kéo vào nắm quyền cho đến khi mất. Ngài có nhiều công đức, được dân tôn vinh là Bố Cái Đại Vương, tương truyền vì thế mà làng Quảng Bố cũng đổi tên thành làng Quảng Bá.
- Đình Quảng Bá nhìn từ xa. Photo NCCong ©2013
Vào thời Trần, dân nơi đây đã dựng một ngôi đình và thờ Bố Cái Đại Vương cùng với 6 vị thần làm thành hoàng làng. Đình ban đầu nằm trên gò Con Quy ở gần chùa Hoằng Ân, đầu thế kỷ XIX di chuyển về địa điểm hiện nay.
Ngày 29-09-1962, Hồ Chủ tịch đã về thăm làng Quảng Bá và đứng trên thềm đình nói chuyện với nhân dân địa phương trong một cuộc mít tinh phát động phong trào phòng chống dịch bệnh.
Ngày 02-10-1991, đình Quảng Bá được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Ao đình Quảng Bá. Photo NCCong ©2013
Kiến trúc
Năm 1999-2000, đình Quảng Bá [và văn chỉ] đã được trùng tu nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 990 năm của kinh thành Thăng Long. Dáng dấp của ngôi đình hiện nay nhìn chung vẫn giữ nguyên vẹn phong cách nghệ thuật kiến trúc từ lần trùng tu dưới thời nhà Nguyễn.
Cổng đình giáp với con phố Quảng Bá; mặt đình quay về phía tây nam nhìn ra hồ Tây qua một sân gạch rộng dưới tán lá của cổ thụ và ao đình hình vuông. Trên bốn trụ lớn của nghi môn và bốn trụ nhỏ của hai cổng bên có đắp các câu đối chữ Hán. Du khách bước vào sân sẽ thấy hai dãy nhà tả hữu vu sáu gian ở hai bên, phía trước là đại đình 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, gồm hai nếp nhà làm thành hình “chữ Nhị”.
- Cổng đình Quảng Bá. Photo NCCong ©2013
Mái đình được lợp ngói ri, trên bờ nóc đắp hình hổ phù đội mặt trời, hai đầu hồi đắp nổi hoa văn hình mây cuộn và cá hoá rồng. Sáu bộ vì được làm theo kiểu giá chiêng, trang trí hình văn mây và hoa lá cách điệu. Bức cốn bên phải chạm hình rồng, lân và bức bên trái chạm hình rồng, phượng. Đặc biệt có hai cửa võng đồ sộ, sơn son thiếp vàng, chạm hình cửu long tranh châu, tinh tế đến từng chi tiết.
Hậu cung năm gian xây cao hơn đại đình, chính giữa bờ nóc có đắp hình bầu rượu và cá hoá rồng. Kết cấu vì kèo đơn giản, phía trên các vòm cuốn có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, phượng hàm thư, lân vờn cầu v.v… Ở gian giữa hậu cung có đặt long ngai bài vị của 7 thành hoàng. Sát ban thờ là hai hương án mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVII–XVIII có dạng sập chân quỳ với các hoạ tiết chạm rồng, hoa lá, mặt trời.
- Sân đình Quảng Bá. Photo NCCong ©2013
Di sản
Ngoài các thứ chuông khánh đồng, kiệu bát cống và đồ thờ, trong đình Quảng Bá còn lưu giữ được nhiều tư liệu chữ Hán gồm: một bản thần phả, 16 đạo sắc phong từ năm Cảnh Trị thứ sáu (1670) đến năm Khải Định thứ chín (1924), các bức hoành phi và câu đối, v.v.. Đặc sắc nhất là tấm bia đá “Đường Lâm Phùng Hưng Ký” được dựng năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), hiện đặt ở Bảo tàng Lịch sử, nội dung văn bia chép về vị anh hùng dân tộc.
Hàng năm, dân làng Quảng Bá có 2 lần tổ chức lễ hội đình: lễ hội chính diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng Hai âm lịch và ngày 10 tháng Tám âm lịch thì làm lễ tế vọng. Nhân dân một số làng khác cùng thờ Phùng Hưng cũng về đình Quảng Bá để tham gia.
- Trong đình Quảng Bá. Photo NCCong ©2013
Trong dịp này diễn ra lễ rước nước và khóa tụng kinh của các vị sư chùa Hoằng Ân cùng nhiều cuộc tế lễ khác. Sau đó là các trò chơi dân gian như: múa sư tử, múa cờ, múa trống, múa sênh tiền, hát chèo, hát văn, quan họ, tổ tôm, cờ tướng, chọi gà, v.v….
Di tích lân cận
- Chùa Hoằng Ân: 3R6C+VR, ngõ 12 Đặng Thai Mai.
- Chùa Kim Liên: 3R5M+C5, ngõ 1 Âu Cơ.
- Chùa Tứ Liên: 3R7H+PR, số 167 đường Âu Cơ.
- Đình Nhật Tân: 3RGC+FH, số 401 đường Âu Cơ.
- Đình Tây Hồ: 3R6G+JH, số 24 ngách 31, ngõ 46 Xuân Diệu,.
- Phủ Tây Hồ: 3R49+2V, số 52 Đặng Thai Mai.
713 dinh Quang Ba ©NCCong 2013-2021