722 From Co Loa citadel to Ha Noi city
Từ Cổ Loa đến Hà Nội
Chỉ cách Hồ Gươm 10km đường chim bay và được cho là kinh đô của vua An Dương Vương vào thế kỷ III trước Công nguyên, thành Cổ Loa nằm ở phía bắc sông Hồng, nay thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Thành đắp bằng đất và có 3 vòng: chu vi vòng ngoài dài 8 km, vòng giữa 6,58 km và vòng trong 1,6 km. Thành cao trung bình từ 4 đến 5 m, có chỗ 8–12 m. Chân lũy rộng 20–30 m, mặt thành rộng 6–12 m.
- Đình Ngự Triều, Cổ Loa. Photo ©NCCông 2019
Thời Bắc thuộc
Sau khi An Dương Vương mất nước, phần lớn vùng đất Bắc Bộ và một phần phía tây nam tỉnh Quảng Tây bị triều đình phương Bắc đặt thành quận Giao Chỉ 交 趾. Phía đông sông Hồng và phía nam sông Đuống, trên địa phận nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hồ Gươm chỉ 24km hiện có di tích thành Luy Lâu 羸 婁, nơi từng là trị sở của quận Giao Chỉ và thủ phủ của cả Giao Châu từ năm 111 TCN đến 106 TCN. Tại đây vẫn còn di tích chùa Dâu là một trong những ngôi chùa Tứ pháp cổ nhất của dòng Phật giáo truyền từ Ấn Độ vào đất Việt.
Nhà Tây Hán (202 TCN—220) đã lập huyện Long Biên 龍 編 [1] và đặt làm trị sở của Giao Châu. Huyện trị của Long Biên nằm tại khu vực thành phố Bắc Ninh ngày nay.
Năm 40 Hai Bà Trưng tức chị em Trưng Trắc 徵 側 và Trưng Nhị 徵 貳 đã khởi binh chống lại chính quyền đô hộ nhà Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại huyện Mê Linh ở phía bắc sông Hồng, nay thuộc TP Hà Nội.
- Đền Hai Bà tại Mê Linh. Ảnh ©2015 NCCong
Vua Hiếu Vũ Đế nhà Lưu Tống (454—464) cho lập huyện Tống Bình (宋 平) thuộc quận Giao Chỉ, bằng cách tách ra từ huyện Long Biên. Địa bàn Tống Bình là một phần của TP Hà Nội bây giờ, bao gồm vùng đất màu mỡ ở phía đông sông Đáy, phía nam sông Hồng và sông Đuống.
Năm 544, vua Lý Nam Đế 李 南 帝 (503—548) đã dựng nên nhà nước Vạn Xuân và đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch có lẽ là khu vực phố Hàng Buồm – Chợ Gạo hiện nay (các thuyết cũ hơn cho rằng kinh đô ở Long Biên hoặc Hồ Tây).
Năm 621, Giao Châu đại tổng quản là Khâu Hòa cho đắp Tử Thành (thành con) bên sông Tô Lịch, chu vi 900 bộ tức khoảng 1674 m (mỗi bộ tương đương 6 thước, mỗi thước bằng 31 cm). Các tài liệu nghiên cứu phỏng đoán Tử Thành nằm ở vùng Núi Cung, Thủ Lệ, Quần Ngựa ngày nay.
Năm 767, Kinh lược sứ Trương Bá Nghi cho đắp sửa La Thành để bao lấy Tử Thành. La có nghĩa là bao bọc, ôm lấy Tử Thành, dần dần La Thành trở thành một danh từ riêng. Các sử gia hiện đại cho rằng La Thành nằm dịch về phía tây quận Ba Đình hiện nay, giới hạn mặt tây cách sông Tô Lịch hơn 300 mét, mặt bắc ở sát sông Tô Lịch, mặt đông giáp Ngọc Hà, mặt nam gần như giáp đường Đội Cấn.
- Mộ Phùng Hưng ở Kim Mã
Năm 791, Phùng Hưng (761-802) đem quân vây La Thành, viên tướng nhà Đường cai trị An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình phá vây mãi không được, phát bệnh vàng da rồi chết. Phùng Hưng vào thành nắm quyền và được nhân dân tôn vinh là Bố Cái đại vương.
Năm 858, viên quan Đô hộ là Vương Thức lấy tiền thuế một năm mua tre gỗ trồng quanh 12 dặm thành, đào hào, rào lũy, bên ngoài lại trồng tre gai. Vì vậy thành đó còn có tên là thành Lặc Trúc, cạnh các tên thành Giao Châu hoặc thành Giao Chỉ. Theo Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán thì đây chính là phủ thành đô hộ, vị trí phía bắc giáp sông Tô Lịch và phía đông ở gần sông Hồng, tức là dịch hẳn về phía đông.
Năm 866, Cao Biền 高 駢 (821—887) là tướng nhà Đường sau khi tiến đánh và đuổi được đội quân Nam Chiếu chiếm đóng Giao Chỉ đã cho đắp thành Đại La và làm hơn 400.000 gian nhà. Từ đó quân Nam Chiếu không còn xâm phạm. Vua Đường Ý Tông đổi tên An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân và phong cho Cao Biền chức Tiết độ sứ, đóng trị sở ở Đại La.[2]
Họ Khúc (905–930) và Dương Đình Nghệ tiếp tục dùng trị sở Đại La. Còn sau khi giành độc lập, vua Ngô Quyền 吳 權 (898–944) không chọn đóng đô ở đó nữa mà chuyển lên Cổ Loa, mở rộng thành cũ.
Thời tự chủ độc lập
Năm 1010, vua Lý Công Uẩn (974-1028) dời từ Hoa Lư đến Đại La và cho xây kinh đô, đặt tên là Thăng Long. Vòng thành trong gọi là Cấm thành - bao bọc nơi ở của nhà vua; vòng thành giữa gọi là Hoàng thành hay Long thành - bao bọc Cấm thành và nơi vua quan ngự triều; vòng thành ngoài gọi là Đại La thành - bao bọc nơi ở của thái tử, hoàng tử, anh em họ hàng nhà vua, quan lại và dân chúng. Vùng đất giữa Hoàng thành và Đại La thành gọi là Kinh thành.
Ngoài cung điện và chùa chiền, các vua Lý còn cho thành lập Quốc Tử Giám, dựng Văn Miếu, đàn tế trời cạnh hồ Bích Câu và xây trạm Hoài Viễn bên Gia Lâm làm nơi tiếp đón sứ giả các nước và tù trưởng các miền tới kinh triều kiến.
- Văn Miếu đầu TK20. Phía tây là phố Hàng Bột
Kế thừa Thăng Long thời Lý, nhà Trần cũng chia Kinh thành làm 61 phường, gồm cả phường buôn bán, phường thợ và phường làm nông nghiệp. Ngoài ra còn cho xây thêm sứ quán dành riêng cho sứ giả phương Bắc ở khu Quán Sứ và xây hành cung của nhà vua ở khu vực Gia Lâm ngày nay. Năm 1253, vua Trần Thái Tông cho thành lập Giảng Võ đường.
Năm 1397, Hồ Quí Ly cướp ngôi vua Trần, đổi tên Thăng Long thành Đông Đô rồi dời vào Tây Đô, tỉnh Thanh Hoá. Năm 1407, quân Minh chiếm Đông Đô và đổi tên thành Đông Quan. Năm 1428, vua Lê Lợi giành lại độc lập và đóng đô ở Đông Quan, đến năm 1430 mới đổi tên thành Đông Kinh. Năm 1466, dưới triều Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) thành Đông Kinh được gọi là phủ Trung Đô.
Thời Mạc, chiến tranh xảy ra liên miên. Năm 1549, vua Mạc Phúc Nguyên phải bỏ Thăng Long ra ngoại thành. Năm 1588, Mạc Mậu Hợp sai đắp thêm lũy đất ngoài thành Đại La, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu vòng qua Hồ Tây tới khu Cầu Dừa, Cầu Dền và kéo đến tận Thanh Trì. Lũy này rộng 25 trượng, cao hơn thành cũ vài trượng, có 3 lần hào và là vòng thành lớn nhất trong lịch sử xây thành Thăng Long.
Năm 1592, Trịnh Tùng dẫn quân nhà Lê trung hưng (1533–1789) đánh chiếm được kinh đô, họ Mạc bỏ chạy lên cát cứ ở Cao Bằng. Dưới thời phủ chúa họ Trịnh nắm quyền thực tế, lũy nhà Mạc bị phá và thành Thăng Long được khôi phục như cũ.
Sau chiến thắng đánh tan quân Thanh năm 1789, vua Quang Trung đóng đô ở Huế, Thăng Long trở thành thủ phủ Bắc Thành. Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi và vẫn đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Năm 1831, vua Minh Mệnh cải cách hành chính và thành lập tỉnh Hà Nội.
- Bắc Môn. Ảnh ©2012 NCCong
Thời cận đại đến nay
Sau khi chiếm xong Việt Nam, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ngày 19-7-1888 đã ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Với sự quy hoạch của người Pháp, nơi đây trở thành một đô thị kiểu phương Tây. Toà thành nhà Nguyễn bị dỡ bỏ, đến năm 1897 chỉ còn lại di tích Cột Cờ, Cửa Bắc, Đoan Môn và thềm rồng của điện Kính Thiên cũ. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ phủ của toàn Đông Dương.
Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đặt thủ đô tại Hà Nội. Ngày 10-10-1954, sau khi chiến thắng ở Điện Biên Phủ rồi ký kết Hiệp định Geneva, chính phủ Hồ Chí Minh từ Việt Bắc trở về tiếp quản thủ đô. Tháng 4-1961, một số xã của Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hưng Yên được sáp nhập vào thành phố Hà Nội, nâng tổng diện tích lên 584 km vuông.
Ngày 29-5-2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây cùng huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Ngày 11-12-2008, quận Hà Đông được thành lập từ thành phố Hà Đông của tỉnh Hà Tây trước đây và thành phố Sơn Tây cũng được đổi thành thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội.
Chú thích
[1] Long Biên vốn là Long Uyên 龍 淵, về sau kiêng húy vua Đường Cao Tổ là Lý Uyên 李淵 mới đổi là Long Biên. Nay địa bàn tương đương gồm 2 huyện Hoài Đức, Thường Tín và các quận của Hà Nội, cùng huyện Khoái Châu (Hưng Yên), 3 huyện của Bắc Ninh (Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong), các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng và một phần phía tây nam tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là huyện lớn nhất mà các đời sau còn chia tách để lập ra các quận, huyện khác.
[2] Theo sử cũ, La Thành có chu vi 1982 trượng (≈6,6 km); cao 2,6 trượng (≈8,67 m), chân thành rộng 2,5 trượng (≈8,33 m), với 55 vọng lâu, 6 úng môn, 3 hào nước, 34 đường đi. Con đê vòng quanh thành dài 2126 trượng (≈7,09 km) và cao 1,5 trượng (≈5,00 m), chân đê rộng 2 trượng (≈6,66 m). Theo truyền thuyết, thành xây đi xây lại vẫn bị sụt ở vùng sông Tô Lịch, Cao Biền bèn cho trấn yểm tại đây để làm cho đất vững và chặn dòng long mạch.