723 Trung Phung community hall and temple

Đình, đền Trung Phụng

Cao Sơn Vũ Lâmquận Đống Đasông Kim Ngưu

Đình Trung Phụng có từ giữa thế kỷ XIX, thờ thành hoàng Cao Sơn đại vương. Đền thờ Huệ Minh phu nhân, sau thờ Mẫu. Lễ hội: 15-17/3, 15-17/11 âl. Xếp hạng: Di tích thành phố (2016). Vị trí: số 43 ngõ 165 Chợ Khâm Thiên, P. Trung Phụng, 2R8Q+48, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,3 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Đối diện 60 Khâm Thiên (xe 01, 09B, 09BCT, 30, 41, 49), 254-256 Lê Duẩn (03a, 32, 41)

Lược sử

Đình và đền Trung Phụng toạ lạc tại số 43, ngõ 165 Chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Xưa kia đây là đất của hai thôn Phụng Thánh và Thị Trung, thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Đình thờ Cao Sơn đại vương; còn ngôi đền thờ Mẫu trước kia vốn thờ Huệ Minh phu nhân là Đức Thánh Bà đã có công giúp nước, cứu dân làng.

Đình Trung Phụng cũ gồm 3 gian 2 chái, nằm ở bên cạnh đền Mẫu và Văn chỉ, phía trước có giếng nước và cổ thụ, nay không còn. Năm 1978 đình đổ nát phải hạ giải, dấu vết duy nhất còn lại là trụ cổng, trên đỉnh có gắn tượng con nghê. Một số đồ thờ cũng được chuyển sang đền Thị Trung thờ Mẫu Liễu Hạnh.

Đình Trung Phụng. Photo: NCCông ©2021

Năm 2016 đình và đền Trung Phụng đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.

Kiến trúc

Năm 2005, đình Trung Phụng được xây lại. Đình hiện nay gồm 2 tầng, diện tích chỉ còn 110 m2. Phòng khách 60 m2 ở dưới, 60 m2 ở trên là cung cấm thờ thành hoàng. Tại tầng trệt có 8 cột tròn đỡ sàn. Khung mái tầng trên được đúc bằng bê tông; câu đầu, xà đỡ, vì chồng rường có đắp nổi các hình rồng, mây, hoa lá. Phía sau đình có một cây đa đã hơn 150 năm tuổi.

Đền nằm cạnh đình, có bức tường chung bao quanh. Cổng giữa xây kiểu nghi môn 2 tầng 8 mái với 2 cổng phụ nhỏ cũng xây tương tự. Trên đỉnh các trụ biểu có tượng nghê chầu, thân trụ đắp câu đối chữ Hán, đế trụ thắt cổ bồng. Sau cổng là sân đền, bên phải có nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ, bên trái là hòn non bộ, lùi vào trong còn có lầu Cô, lầu Cậu.

Đền Trung Phụng. Photo: NCCông ©2021

Đền xây theo hình “chữ Đinh”. Tiền tế 3 gian, kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, hàng hiên khá rộng, nền cao. Mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp hình lưỡng long trào nhật, hai bên gắn đầu kìm. Gian giữa trung đường thờ Công đồng, Hội đồng các quan, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ Vị Tôn Ông. Gian bên phải có động Sơn Trang, gian bên trái thờ Đức Thánh Trần. Hậu cung 3 gian dọc có 3 cửa ra vào, bên trên trang trí cửa võng “kép”.

Di sản

Hàng năm nhân dân Trung Phụng tổ chức lễ hội đình làng vào hai dịp mùa xuân và mùa đông. Lễ hội mùa xuân diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng Ba âm lịch. Lễ hội mùa đông diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng Một âm lịch.

Đền Trung Phụng còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như: 01 đạo sắc phong niên hiệu Thành Thái 1 (1889), 14 pho tượng Mẫu, 08 bộ khám thờ, 06 bức hoành phi, 06 đôi câu đối, 07 bức cửa võng, 05 hương án, 07 bộ ngai thờ cùng nhiều đồ thờ tự. Tất cả đều mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Trước đình-đền Trung Phụng. Photo: NCCông ©2021

Đình giữ được 01 long ngai bài vị sơn son thếp vàng, 01 đôi hia, 01 bát hương gốm, 01 câu đối tạo năm Mậu Dần (1878) đời vua Tự Đức; 01 bức hoành phi khắc 4 chữ Hán “Duy nhạc giáng thần”, do một người họ Phùng cung tiến năm Tân Mão (1891) đời vua Thành Thái. Trong đình còn có 05 đạo sắc của các triều vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định phong Cao Sơn đại vương là “Thượng đẳng tối linh thần”.

Di tích lân cận

©NCCông 2021, Trung Phung community hall and temple