724 Thiet Ung community hall

Đình Thiết Úng

h.Đông Anhhuyền sửsông Cà Lồ

Đình Thiết Úng có từ thế kỷ XVIII. Thờ: 2 vị đại vương Bình Thục và Đông Pha. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: 4WQ7+H8, số 145-141 đường Đồng Kỵ, xã Vân Hà, H. Đông Anh, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 20km (hướng 1h). Trạm bus lân cận: bến cuối đường Liên Hà (xe 61)

Lược sử

Thôn Thiết Úng có từ rất lâu đời, tên Nôm là làng Ống, còn gọi phường Xa Lập, vị trí kề bên sông Hoàng Giang, nay thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Dân sở tại vốn có nghề làm ruộng và nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt cửi, sau thêm nghề chạm khắc gỗ.

Nằm ngay cạnh chợ Ống có ngôi đình Ống, bên trong thờ thành hoàng làng gồm Nhị vị Đại vương là Bình Thục và Đông Pha. Năm 1996 ngôi đình (và chùa) Thiết Úng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Cổng làng Thiết Úng. Photo ©NCCong 2021

Thần tích lưu trong đình chép rằng vào cuối đời Hùng Vương, ở phủ Hồng Châu có vợ chồng ông Triệu Quang và bà Nguyễn Thị Tín xuất thân hào phú nhưng tính tình phúc hậu, hay giúp người. Ông bà muộn con, sau thần báo mộng và sinh đôi được hai trai có tướng mạo khác người, đặt tên anh là Thục, em là Pha. Lớn lên, anh em đều học giỏi, tinh thông võ nghệ. Đến năm 17 tuổi, bố mẹ qua đời.

Mãn tang thì gặp đúng lúc vua Hùng chọn nhân tài giúp nước, họ bèn đi thi. Người anh được ban chức Đô Úy, người em làm Lang Trung. Nhân lúc thanh bình, hai ông du ngoạn các nơi. Đến vùng Đông Ngàn thấy mến phong cảnh của địa phương, họ đã xây hành cung bên Hoàng Giang tức sông Thiếp hay Ngũ Huyện Khê rồi về tâu xin vua cho lấy nơi đó làm đất hậu phần. Được vua chuẩn y, họ trở lại phường Xa Lập dạy dân nghề làm ruộng và nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt cửi.

Đình Thiết Úng trước khi trùng tu

Rồi có giặc đến xâm lăng, vua phong hai ông chức đại tướng, ban quân sĩ và cho về phường Xa Lập lấy thêm người đi làm gia thần túc vệ. Sau khi thắng trận, hai tướng mở tiệc vui cùng dân làng, tiệc tan thì đột nhiện hóa và theo mây bay đi mất. Hùng Vương thương tiếc ban sắc chỉ cho lập miếu thờ. Nhân dân thôn Thiết Úng từ đó cứ giữ lệ cúng tế cho đến ngày nay.

Kiến trúc

Đình Thiết Úng nhìn qua nghi môn ra một hồ nước nhỏ hình ngũ giác ở phía nam. Sân đình rộng, hai bên có dãy tả, hữu vu. Toà tiền tế rộng 3 gian 2 chái, mái lợp ngói ri, các đầu đao cong vút vươn lên tán lá của hai cổ thụ. Hậu cung kết nối với gian giữa của tiền tế thành hình “chữ Đinh”. Bộ khung gỗ được trang trí cầu kỳ trên các đầu dư, cốn mê, các thân xà, kẻ, bẩy… và mang đậm phong cách nghệ thuật của hai thế kỷ XVIII – XIX.

Đình Thiết Úng trước kia

Di sản

Trong đình có bộ cửa võng sơn son thếp vàng rực rỡ, ở chính giữa treo bức đại tự “Thánh cung vạn tuế” phía trên đặc tả lưỡng long chầu nguyệt, diềm hai bên chạm hệ tứ linh, các ô nhỏ phía dưới ngoài tứ linh còn trang trí tứ quý và hoa lá đan xen. Cửa võng này là một trong các tác phẩm ghi dấu ấn của nghệ thuật thời Nguyễn hồi thế kỷ XIX.

Tất cả những bức chạm khắc gỗ đều do các thợ làng Thiết Úng tạo tác. Ngoài ra tại đây còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý khác như bản thần phả, các sắc phong, long ngai, bài vị, khám thờ, giá văn, hương án, bộ ngũ sự và 1 quả đại hồng chung bằng đồng đúc năm Quý Sửu đời vua Tự Đức (1853).

Đình Thiết Úng: chính điện

Di tích lân cận

©NCCông 2021, Thiet Ung community hall