726 Tri Lai community hall

Đình Tri Lai

h.Ba Vìsông Hồngnhà Trần

Đình Tri Lai có từ thời Lê. Thờ: Phùng Lộc Hộ, tướng nhà Trần. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2014). Vị trí: 69PW+GW, thôn Tri Lai, xã Đồng Thái, H. Ba Vì, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 66km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Đd chợ Nhông xã Thái Hòa - QL32 (xe 70a, 70b).

Địa lý

Đồng Thái nằm ở phía đông bắc núi Tản Viên và phía nam sông Hồng. Địa giới xã giáp với thị trấn Tây Đằng và 7 xã: Vật Lại, Vạn Thắng, Phú Sơn, Phú Đông, Phú Châu, Phú Phương, Thái Hòa, ngày nay đều thuộc huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Xã có dân số 14.165 nhân khẩu sinh sống trong 4 thôn: Tri Lai, Đồng Bảng, Thái Bình, Tăng Cấu với tổng diện tích tự nhiên 824 ha đất đai màu mỡ.

Hồ Tri Lai

Dân huyện Ba Vì có câu "Ngô Đông Lâu, bầu Tri Lai, khoai Tăng Cấu, dưa hấu Yên Bồ” để giới thiệu những đặc sản địa phương. Thực sự nhiều nông dân tại thôn Tri Lai không chỉ trồng rau bầu mà còn canh tác khoai lang trên 70ha trong tổng số 230ha của cả xã và đạt được năng suất rất cao từ 7,5 đến 8 tạ khoai trên một sào Bắc Bộ. Mới đây sản phẩm “khoai lang Đồng Thái” đã được công nhận là “Nhãn hiệu tập thể”.

Kinh tế xã Đồng Thái hiện đang phát triển chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp. Trong khoảng 3 nghìn hộ dân của xã vẫn còn hơn 10% hộ nghèo và hộ cận nghèo. Tuy vậy ngoài nông nghiệp, xã còn có tiềm năng lớn về du lịch và thương mại với 2 con đường bộ là tỉnh lộ DT93 và quốc lộ QL32 có những chuyến xe bus số 70a, 70b, 92 chạy qua hàng ngày.

Xã Đồng Thái nổi tiếng với các di tích như: đền Lác, đền Trúc Lâm, đình Đồng Bảng, đình Tri Lai. Theo sử sách, xã là nơi sinh ra danh tướng Phùng Lộc Hộ có công giúp vua nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII. Sau khi mất, ngài được dân thờ tại đây và cả bên bờ bắc sông Hồng tại những nơi ngài đã từng chiến đấu như: Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc), Tứ Xã (Lâm Thao - Phú Thọ), v.v..

Sân đình Tri Lai

Kiến trúc

Toàn bộ khuôn viên ngôi đình Tri Lai hiện nay được xây tường vây quanh. Nghi môn gồm 4 trụ biểu đắp câu đối chữ Hán, trên đỉnh trụ đặt các tượng linh thú. Cổng mở ra đường làng, nhìn về phía đông nam qua một hồ nước hình chữ nhật ở giữa làng. Trên bức tường hai bên cổng đình có phù điêu hình đôi ngựa hồng. Sau cổng là một sân gạch với 2 dãy giải vũ 3 gian nằm đối xứng ở hai bên, chính giữa là toà tiền tế.

Trên đầu hồi của ngôi nhà ở sau bức tường bên trái cổng đình vẫn còn dòng chữ Pháp đắp nổi "École de Tri Lai", dấu tích của một ngôi trường tiểu học bé nhỏ được thành lập vào đầu thế kỷ XX dưới thời Pháp thuộc. Tiền tế gồm 2 chái và 3 gian cửa bức bàn, xếp song song cùng 2 toà trung đường và hậu cung theo hình “chữ Tam”. Giữa bức tường nối giải vũ với tiền tế là cửa ngách dẫn khách đi vào sân trong.

Di tích trường tiểu học Pháp tại đình Tri Lai

Di tích lân cận

  • Chùa Vân Sa: xã Tản Hồng, huyện Ba Vì.
  • Đình Cộng Hòa: xã Thái Hoà, huyện Ba Vì.
  • Đền Lác: thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì.
  • Đình Đồng Bảng: xã Đồng Thái, huyện Ba Vì.
  • Đình Phú Hữu: xã Phú Sơn, huyện Ba Vì.
  • Đình Phú Xuyên: xã Phú Châu, huyện Ba Vì.
  • Đình Phương Châu: xã Phú Phương, huyện Ba Vì.
  • Đình Vân Sa: xã Tản Hồng, huyện Ba Vì.
  • Đình Yên Bồ: xã Vật Lại, huyện Ba Vì.

726 Tri Lai community hall ©NCCông 2021