738 To Tich street
Phố Tố Tịch
Phố Tố Tịch dài 95m, đi từ ngã ba Hàng Quạt đến ngã ba Hàng Gai. Thuộc: phường Hàng Gai, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 200m (hướng 10h). Trạm bus lân cận: BĐX Bờ Hồ (xe 09, 14), 56 Hàng Cân (xe 31).
- Đình Đông Hà, phố Tố Tịch đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu
Địa lý
Ngày nay, phố Tô Tịch nổi tiếng bởi dịch vụ du lịch và còn được gọi một cách dân dã là “phố hoa quả dầm”. Có đến gần chục cửa hàng chuyên kinh doanh những món ăn vặt thơm ngon này và thực đơn phong phú đã làm cho "Hoa Béo" trở thành một trong những quán đông khách nhất.
Nguyên gốc Tố Tịch là tên một thôn nhỏ thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Nghĩa đen của chữ Tố Tịch là “chiếu trắng” nhưng ở đây không còn lại dấu tích nào về nghề làm chiếu và bán chiếu. Cũng không thấy trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có viết gì về phường bán chiếu.
- Ngã ba Hàng Gai - Tố Tịch đầu thế kỷ XXI. Photo NCCong ©2015
Góc bên trái ngã ba phố Tố Tịch - Hàng Quạt có nhà số 1 vốn là đình Đông Hà thờ một vị thành hoàng không rõ lai lịch. Khi mở rộng phố thì đình bị phá, bài vị thành hoàng được đưa lên thờ trên gác một hàng nước. Giáp đình Đông Hà là ngôi nhà hai tầng xây năm 1920 của họ Phạm, một dòng họ có đông người ở phố này.
Gần đấy lại còn có một ngôi nhà hai tầng xây từ năm 1912 của ông Đào Văn Sử, Hội trưởng Hội Trí Tri. Đó là một hiệp hội dân lập hoạt động trong thời gian 1892-1945 với chủ trương quảng bá các môn khoa học như vệ sinh, phong tục cùng các kiến thức khác đến từ phương Tây.
- Nhà cổ phố Tố Tịch. Photo ©NCCong 2014
Một số ngôi nhà số lẻ của phố Tô Tịch ở đoạn giáp phố Hàng Gai xưa kia bao gồm những gia đình người gốc làng Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã mang nghề tiện gỗ, khắc gỗ ra đây lập nghiệp từ lâu đời. Các cửa hàng của họ nhỏ, sử dụng ít nhân công. Quy trình sản xuất đơn giản, ít gây ô nhiễm, rác thải chủ yếu là phoi gỗ. Phương tiện ban đầu là những chiếc máy tiện đạp chân, mãi sau này mới thay bằng động cơ điện.
- Tương phản cũ, mới ở phố Tố Tịch. Photo ©NCCong 2014
Trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến đầu TK XX, công việc chủ yếu của họ đòi hỏi khéo tay, tinh mắt và hiểu biết chữ nho, chữ nôm đủ để khắc ván in cho các cửa hàng sách bên phố Hàng Gai, ngoài ra còn làm hàng thủ công mỹ nghệ, mâm gỗ, ống hương, bàn tròn, đài rượu, song cửa, con dấu, đồ chơi trẻ em... Dãy nhà một tầng nhiều gian xưa là của chủ hiệu Ích Gia ở góc phố Hàng Gai, từng làm giàu bằng đồ khắc gỗ và ngà. Dãy nhà hai tầng giữa phố bên số chẵn là của chủ hiệu bán sơn ở phố Hàng Gai xây lên để cho thuê.
Di tích lân cận
- Đền Dâu (Thuận Mỹ): số 64 phố Hàng Quạt.
- Đền Xuân Yên cũ: số 6A phố Lương Văn Can.
- Đình Cổ Vũ: số 85 phố Hàng Gai.
- Đình Đồng Lạc: số 38 phố Hàng Đào.
- Đình Hà Vĩ: số 11 phố Hàng Hòm.
- Đình Phả Trúc Lâm: số 40 ngõ Hàng Hành.
- Đình Xuân Phiến Thị: số 4 phố Hàng Quạt.
- Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục: ngã phố Cầu Gỗ - Hàng Đào - Hàng Gai.
©NCCông 2014-2021, To Tich street