739 Quan La community hall

Đình Quán La

q.Tây HồBắc thuộchồ đầm

Đình Quán La có ít nhất từ thế kỷ XVII, xây trên nền cũ của Đạo quán Dà La được lập vào thế kỷ VIII. Thờ thành hoàng Duệ Trang cùng hai nàng hầu. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: ngõ 38 Xuân La, 3RC4+2F, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 7,7km (hướng 11h). Trạm bus lân cận: KĐT Ciputra phố Nguyễn Hoàng Tôn, hoặc Ngõ 38 phố Xuân La.

Lược sử

Phường Xuân La thành lập năm 1995 từ một xã ở ngoại thành Hà Nội [Xã Xuân La gồm 4 làng: Quán La Xã, Quán La Sở, Xuân Tảo Sở, Vệ Hồ.], trong xã có làng Quán La Xã, tên cổ là đỗng [“Đỗng”: Từ Hán-Việt chỉ vùng đồng có gò núi, viết chữ “Sơn” trên chữ “Đồng”, dân ta quen gọi là “Động”.] Dà La, một vùng đất có nhiều gò cao ở phía tây hồ Tây. Cho đến thế kỷ X, từng có sông Thiên Phù chảy qua bến Lâm Ấp ở Dà La, phía bắc thông ra sông Hồng ở bến Nhật Tân, phía nam nối với sông Tô Lịch ở vùng Kẻ Bưởi. Dân Dà La thời đó đông đúc, có nghề trồng lúa, đánh cá và buôn bán. Đầu thế kỷ XI, sông Thiên Phù bị lấp hoàn toàn, đỗng Dà La mới mất vị thế giao thông quan trọng.

Đời vua Đường Minh Hoàng, niên hiệu Khai Nguyên (715-739), thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán sang giữ Giao Châu, đóng quân lập phủ ở Dà La, đổi tên đỗng Dà La thành thôn An Viễn. Đạo Giáo thời đó đang thịnh hành, Lư Hoán cho dựng quán Khai Nguyên trên gò Thất Diệu để thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Về sau thôn An Viễn lại đổi theo tên quán thành thôn Khai Nguyên, dân quen gọi nôm na là làng Quán La.

Cây thị đình Quán La. Photo ©NCCong 2023

Quán Khai Nguyên suốt mấy trăm năm từng có nhiều đạo sĩ tới tu luyện trước khi đạo Giáo suy thoái. Thời Lý, các vị vua đóng đô ở Liễu Giai gần đó nên thường đến thăm. Vào đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), nhà sư Vân Thao cho trùng tu quán rồi đổi thành chùa, đặt tên là An Dưỡng Tự. Về sau, do mạt pháp, sư bỏ đi nơi khác, chùa An Dưỡng bị hoang phế, dân chuyển làm miếu thờ Sơn thần.

Đình Quán La được xây từ cuối thế kỷ XVII, đồng thời với việc dựng lại chùa An Dưỡng và đặt tên Khai Nguyên Tự. Trong hậu cung đình thờ thành hoàng Duệ Trang cùng hai nàng hầu của bà vì đã có công dạy dân làng khai hoang làm ruộng và trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.

Ngày 03-01-1992, đình Quán La [và chùa Khai Nguyên] đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Đình Quán La. Photo ©NCCong 2023

Kiến trúc

Đình Quán La được dựng trên một trong các gò đất gọi là Thất Diệu. Mặt đình quay hướng nam hơi chếch về phía tây. Du khách đi từ ngoài miếu thờ Sơn thần vào đình qua cổng tam quan, sân gạch rồi đến bậc đá dẫn lên thềm cao. Hai bên đại đình là dãy tả hữu vu và trong hữu vu có một gian dành cho ông thủ từ sống ở đó. Ngoài rìa phía trái sân đình còn có văn chỉ làng Quán La. Sau đình là một khu vườn cổ thụ.

Đình có cấu trúc dọc với đầu hồi nhìn ra mặt trước, giống như ở đình Yên Phụ nhưng quy mô nhỏ hơn. Đại đình rộng 3 gian, hậu cung sâu 2 gian, bên trong vẫn còn lại một số mảng chạm khắc gỗ có giá trị nghệ thuật. Ngay sát bên hông đình có một chiếc cửa hang, xưa kia đồn rằng hang này ăn thông đến tận núi Long Đỗ. Có lẽ đó chỉ là một cái hầm hoặc ngôi mộ xây bằng gạch, sau cũ nát nên đã phải lấp đi để tránh sập đổ.

Chính điện đình Quán La. Photo ©NCCong 2019

Di sản

Đình Quán La do liên quan đến đạo Giáo nên còn được gọi là quán Dà La, quán Khai Nguyên hay quán Chùa Hang. Trên một gò khác ở phía trước cổng đình và hơi chếch sang trái, nay vẫn còn dấu tích của ngôi miếu thờ Sơn thần. Cạnh miếu là cây thị già hơn nghìn tuổi, được gắn biển “Cây di sản Việt Nam”.

Trong đình còn lưu giữ được 18 đạo sắc phong và 11 tấm bia đá ghi chép việc tu sửa, tôn tạo đình, chùa; sớm nhất là sắc phong năm Thịnh Đức nguyên niên (1653).

Di tích lân cận

739 dinh Quan La ©NCCông 2014-2021