742 Van Noi community hall

Đình Văn Nội

q.Hà ĐôngChu Básông Đáy

Đình Văn Nội có từ cuối thế kỷ XVI. Thờ thành hoàng: Đổng Xá đại vương Chu Bá, tướng của Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1986). Vị trí: 65 đường Văn Nội, WQV7+MM, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 16km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: Đd Đại Học Đại Nam.

Lược sử

Đình Văn Nội có từ cuối thế kỷ XVI. Thờ thành hoàng Đổng Xá đại vương Chu Bá. Trong sử sách có ghi Chu Bá sinh ra ở trang Phú Thịnh, quận Cửu Chân. Khi trưởng thành, ngài là một trong các vị tướng đã cùng Hai Bà Trưng tham gia hội thề ở Hát Môn, nổi dậy đuổi thái thú Tô Định và giải phóng 65 thành trì đất Việt. Trưng Trắc lên ngôi vua, ngài được phong tước “Cừ Súy Dực Bảo Tướng Quân”.

Năm 43, Mã Viện dẫn 2 vạn quân Đông Hán tiến sang. Theo truyền thuyết, Hai Bà Trưng tự vẫn ngày 8 tháng 3 âm lịch tại Cấm Khê. Chu Bá lui quân theo sông Đáy về phía nam. Cuối năm ấy, Mã Viện bao vây căn cứ Dư Phát và một trận quyết chiến đã xảy ra ở vùng núi Trịnh (Thiệu Hóa). Thân cô thế cô, Chu Bá phải cho quân rút về khu vực đầm rừng và đóng đồn ở trang Thắng Lãm. Giặc lại tiếp tục truy kích, ngài chiến đấu đến cùng và hy sinh ngày mùng 10 tháng 10 âl.

Lăng Cừ suý Chu Bá. Photo ©NCCong 2024

Thi hài Chu Bá được mai táng tại cánh đồng địa phương, đến nay vẫn còn lăng mộ. Về sau, nhân dân Văn Nội thờ ngài làm thành hoàng làng. Cuối năm 1983, dân làng đào đất ở xứ đồng Ao Phủ Thờ của Văn Nội tình cờ thấy có nhiều cổ vật. Năm sau, Nhà nước tổ chức một đoàn khảo cổ học về khai quật và đã thu được một số mộ thuyền, hiện vật bằng đá, đất nung và các binh khí bằng đồng. Năm 2001, một trống đồng loại Heger I có niên đại trước công nguyên đã được phát hiện tại xứ đồng Ma Chằm, cách đình khoảng 200m.

Năm 1986, đình Văn Nội được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Cổng đình Văn Nội. Photo ©NCCong 2020

Kiến trúc

Đình nằm trên một khoảnh đất cao ở giữa làng Văn Nội, xung quanh có tường bao, trong khuôn viên nay chỉ còn vài cây to. Đình quay về phía tây, cổng xây kiểu nghi môn với hai cửa phụ 2 tầng 8 mái lợp ngói ống giả, cửa chính gồm 2 trụ biểu lớn, trên thân có các câu đối chữ Hán. Bức tường hai bên cửa chính đắp phù điêu hình voi và các linh thú. Đường làng chạy ngang qua trước cửa đình, ngôi chùa Sùng Nghiêm nằm cách đình khoảng 70m đi theo con ngõ bên trái, xa hơn nữa là lăng mộ Chu Bá ở ngoài đồng.

Sau cổng đình là một sân gạch rộng, hai bên có nhà tả hữu vu 3 gian, ở giữa là toà đại bái 5 gian. Cung cấm sâu 3 gian dọc, kết nối với đại bái theo hình chữ Đinh. Phía bên tả đình có miếu thờ Hồ chủ tịch nằm dưới gốc cây bồ đề, trước miếu là sân gạch. Dáng dấp đình mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn muộn, tất cả đều đã được xây lại vào cuối thế kỷ XX và đầu TK XXI.

Hông đình Văn Nội. Photo ©NCCong 2020

Di sản

Tổng cộng đã có 33 đạo sắc phong tặng cho thành hoàng làng của các triều đại Việt Nam. Theo thần phả trong đình do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), ngài đã âm phù vua Lê Đại Hành phạt Tống bình Chiêm thắng lợi. Sau chiến thắng năm 981, nhà vua đã thưởng 10 hốt vàng để nhân dân Văn Nội xây dựng đình làng làm nơi thờ phụng. Ngài còn được gia phong các mỹ tự như “Tá Thánh Hộ quốc”, “Bảo Cảnh Khang Dân Tối Linh Thần” v.v..

Hàng năm vào ngày 11 tháng Giêng âl là dịp mở hội đình Văn Nội, diễn ra các nghi thức truyền thống: Lễ phụng nghênh nhà thánh, lễ rước kiệu, lễ xuất quân… Ngày 12 kết thúc hội có lễ khao quân, giã đám, rước mã thờ và lửa thiêng từ đình xuống lăng mộ Chu Bá để hóa mã. Dân làng và du khách dùng mồi lửa, đèn dầu, hương, nến... để đem ngọn lửa thiêng về thắp lên ban thờ của nhà mình.

Sân đình Văn Nội. Photo ©NCCong 2020

Đến tháng Hai lại tổ chức lễ mừng sinh nhật của Chu cừ suý từ ngày 20 đến 22 âl, đơn giản chỉ cúng trai bàn, xôi oản, hoa quả, xôi gà, hương đèn, rượu gạo. Tiếp đến là “ngày hiện Thần” vào mùng 10 tháng Năm âl. Cuối cùng là “ngày hóa Thần” vào mùng 10 tháng Mười âl, với lễ nghi vẫn long trọng nhưng không được vui chơi, ca hát.

Di tích lân cận

(742 dinh Van Noi ©NCCông 2019-2021)