746 Kim Nguu temple

Đền Kim Ngưu

quận Tây Hồhuyền thoại

Đền Kim Ngưu tương truyền có từ thế kỷ XVII. Thờ: thần Kim Ngưu. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: số 52 phố Đặng Thai Mai, 3R49+MVR, Tây Hồ, Hà Nội, Vietnam. Cách Ga Hà Nội: 6,8 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: Đầu cuối 41 Nghi Tàm (xe 31, 41, 55a, 55b, 58)

Lược sử

Đền Kim Ngưu tọa lạc trên một gò đất cao ở rìa làng Tây Hồ, ngay gần mũi bán đảo Quảng An của hồ Tây, cách hồ Hoàn Kiếm gần 6km về phía tây bắc. Tương truyền đền được tạo dựng từ thế kỷ XVII để làm nơi thờ thần Kim Ngưu. Ngày nay đền nằm trong quần thể di tích Phủ Tây Hồ, thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Đền Kim Ngưu. Photo ©NCCong 2021

Cổ tích kể rằng vào đầu triều nhà Lý có vị thiền sư họ Dương, pháp danh Không Lộ, giỏi nghề y, đã sang sứ nhà Tống và nhận điều trị cho một vị hoàng thân. Sau khi bệnh nhân được chữa khỏi, hoàng đế ban đặc ân cho sứ thần nước Nam chọn bất cứ báu vật gì trong kho. Thiền sư từ chối và chỉ xin đủ số đồng đen để đúc một quả chuông chùa.

Trở về nước, Không Lộ liền đúc một quả đại hồng chung. Khi ngài thỉnh chuông, tiếng ngân vang xa sang tận nước Tống. Con trâu vàng (Kim Ngưu) trong hoàng thành nhà Tống ngỡ tiếng mẹ gọi liền chạy thẳng về phía nam. Đến khu rừng lim ngoài kinh thành Thăng Long thì tiếng chuông vừa dứt, trâu vàng lồng lộn chạy đi chạy lại tìm phương hướng mãi không ra. Cuối cùng, trâu vàng quần nát làm cả một vùng đất bị sụt thành hồ nước mênh mông (nay chính là hồ Tây).

Đền Kim Ngưu: tượng trâu vàng. Photo ©NCCong 2021

Thiền sư thả quả chuông đồng đen xuống hồ. Đồn rằng đến nay trâu vàng vẫn nằm dưới đó. Tại đây về sau vào thời Lê trung hưng, nhân dân đã dựng một ngôi đền thờ thần Kim Ngưu, cùng lúc với Phủ Tây Hồ. Năm 1947, đền bị phá hủy do chiến tranh bùng nổ khi quân Pháp quay lại tiến đánh Hà Nội. Năm 2000, đền đã được trùng tu và gần đây lại được tôn tạo như mới.

Kiến trúc và di vật

Cổng đền Kim Ngưu xây theo kiểu tam quan đồ sộ ba tầng, mở ra phố Đặng Thai Mai. Du khách đi qua cổng rẽ phải để vào sân đền, còn nếu rẽ trái thì sẽ sang Phủ Tây Hồ. Dưới gốc đa cổ thụ là tượng chú Trâu Vàng và bia sự tích. Ngôi đền quay về phía tây nam nhìn ra hồ, toà nhà chính có mặt bằng xây dựng hình “chữ Đinh”. Bên hữu là nhà khách và toà lầu, nơi có treo một quả chuông rất lớn được đúc vào đầu thế kỷ XXI.

Đền Kim Ngưu: án thờ. Photo ©NCCong 2021

Trong đền hiện vẫn lưu giữ được 32 đạo sắc phong thần Kim Ngưu từ thời Lê đến thời Nguyễn. Năm 2012, cây đa hơn trăm năm tuổi đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường công nhận là “Cây di sản Việt Nam”. Với bộ rễ có chu vi 32m, thân chính 7,2m, chiều cao trên 25m và tán lá rộng hơn 200m2, cây đa khổng lồ này luôn luôn thu hút đông đảo du khách đến thăm ngôi đến vốn đã phủ một màn sương cổ tích trong khung cảnh sóng nước mênh mang.

Di tích lân cận

©NCCông 2019-2021, Kim Nguu temple