747 Dong Du Ha community hall
Đình Đông Dư Hạ
h.Gia LâmLê trung hưngsông HồngLinh LangĐình Đông Dư Hạ có từ cuối thời Lê. Thờ 3 thành hoàng: Cao Sơn, Bạch Đa và Linh Lang đại vương. Lễ hội: từ ngày 7 đến 13 tháng Hai âm lịch. Xếp hạng: Di tích thành phố (2007). Vị trí: XWR8+XJ, xã Đông Dư, H. Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 12km (hướng 4h). Trạm bus lân cận: Km9 đường DT378 (xe 47A)
Địa lý
Thôn Đông Dư có tên Nôm là làng Gỏi. Theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi thì địa danh Đông Dư có từ cuối thời Tiền Lê (981-1009). Đến cuối thời Hậu Lê, tại đây hình thành dần dần hai cụm dân cư rồi tách ra làm hai làng Gỏi Thượng và Gỏi Hạ. Ngoài ra, một bộ phận dân cư đã vượt sông Hồng sang lập nghiệp trên đất huyện Thanh Trì, lập thành làng Nam Dư (nay thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), lúc đầu sống dựa nhờ làng gốc nên có tên Nôm là làng Dựa.
- Cổng đình Đông Dư Hạ. Photo ©NCCong 2021
Đầu thời Nguyễn, làng Gỏi là một xã gồm 2 thôn Thượng, Hạ, thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Năm 1945, hai thôn sáp nhập với ấp Thuận Phúc (tên Nôm là Đít Đó) thành một xã mới mang tên Thừa Thiên, thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.
Đến tháng 5-1961, huyện Gia Lâm được chuyển về thành phố Hà Nội. Năm 1965, xã Thừa Thiên lại đổi tên thành Đông Dư. Xã có diện tích 3,54 km², dân số năm 2012 là 4.213 người. Trước đây dân Đông Dư có trồng rau cải bẹ và ổi găng, cả hai loại đều rất ngon.
Lược sử
Đình Đông Dư Hạ thờ ba vị thành hoàng gồm: Cao Sơn, Bạch Đa và Linh Lang đại vương. Theo truyền thuyết thì Cao Sơn là vị thần núi đã báo mộng và âm phù cho Tương Dực Đế từ Tây Đô tiến ra Đông Đô khôi phục cơ nghiệp nhà Lê. Bạch Đa là đại tướng hy sinh trong khi giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp 12 sứ quân. Còn hoàng tử Linh Lang là người anh hùng của nhà Lý trong cuộc kháng chiến chống quân Tống.
- Ao đình Đông Dư Hạ. Photo ©NCCong 2021
Năm 2007, đình Đông Dư Hạ [và chùa Phù Quang Tự ở sát bên cạnh] đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật.
Kiến trúc
Đình Đông Dư Hạ nằm trên vùng đất bãi ngoài đê, mặt hướng nhìn ra xa về phía tây là dòng sông Hồng. Đình đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo và vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc cuối thời Nguyễn. Nghi môn gồm 4 trụ biểu mở ra mặt đường ở phía bắc, phía sau là một sân gạch rộng dẫn đến nhà khách ở trước mặt, ao bán nguyệt ở bên phải và toà tiền tế ở bên trái.
Tiền tế rộng 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Kết cấu gồm 4 hàng chân cột, vì kèo kiểu giá chiêng. Trên bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nhật, hai bên là 2 đầu kìm, mái lợp ngói mũi hài. Trên đỉnh 2 trụ biểu đắp 2 con nghê, phần ô lồng đèn đắp nổi đề tài tứ linh và tứ quý.
Trên thân trụ đắp đôi câu đối chữ Hán:
"Thần thánh kính tôn, vạn đại trường tồn danh hiển tích
Miếu đình linh bái, thiên niên hằng tại đức lưu quang"
(Thần thánh tôn nghiêm, muôn đời trường tồn danh hiển tích
Miếu đình thiêng lễ, ngàn năm vĩnh viễn đức lưu quang).
- Đình Đông Dư Hạ. Photo ©NCCong 2021
Trung tế rộng 3 gian, xây kiểu 2 tầng với cổ diềm lấy sáng, bộ khung đỡ mái với 4 bộ vì kiểu kèo kìm quá giang, mái phân “thượng tam hạ tứ”. Gian giữa treo bức đại tự "Thượng đẳng tối linh". Bên dưới là hương án, phía trên đặt các đồ thờ tự được chạm khắc khá tỉ mỉ và công phu với các đề tài trang trí hình phượng vũ, rồng hoá lá, rồng chầu, hổ phù, ... mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Giáp gian giữa của trung tế là hậu cung, gian giữa có bệ gạch, phía trên đặt long ngai bài vị thành hoàng làng cùng các đồ thờ tự khác.
Di sản
Tại ngôi đình hiện còn lưu giữ được các đạo sắc phong của nhiều triều đại cũ ban tặng cho ba vị thành hoàng làng. Đặc biệt trong số đó có 6 đạo sắc phong Bạch Đa đại vương, sắc sớm nhất ghi ngày 10 tháng 2 năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) và sắc muộn nhất ghi ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1927).
Lễ hội đình làng Đông Dư Hạ được nhân dân cùng chính quyền địa phương tổ chức hàng năm từ ngày 7 đến 13 tháng Hai âm lịch. Mở đầu là cuộc lễ lấy nước trên sông Hồng và đám rước từ bến sông đưa nước về làm lễ tế tại đình. Sau đó diễn ra cuộc vui với các trò chơi dân gian và hấp dẫn nhất là những môn thể thao mang truyền thống thượng võ như đấu kiếm, đấu quyền, múa khiên.
Di tích lân cận
- Chùa Đào Xuyên: thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn.
- Chùa Khoan Tế (Cự Đà Tự): thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn.
- Chùa Thổ Khối: đường ĐT378, phường Cự Khối.
- Đình Bát Tràng: thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng.
- Đình Khoan Tế: thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn.
- Đình Thổ Khối: 2W54+87, đường ĐT378, phường Cự Khối.
- Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc: 2W64+H8, đường ĐT378, phường Cự Khối.
©NCCông 2018-2021, Dong Du Ha community hall