749 Van Phuc pagoda

Chùa Vạn Phúc (Hà Đông)

q.Hà ĐôngLê trung hưngsông Nhuệ

Chùa Vạn Phúc có từ khoảng thế kỷ XVIII. Tên chữ: 萬福寺 Vạn Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích thành phố (2005). Vị trí: số 69 Đường Vạn Phúc, XQHF+R6, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: 233 Vạn Phúc - Hà Đông, hoặc BRT Vạn Phúc.

Lược sử

Tương truyền chùa làng Vạn Phúc có từ thời Lê trung hưng, nay thuộc đất phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Chùa mới xây lại vào đầu thế kỷ XXI, tam quan ngoại mở ra Phố Lụa ở phía bên tay trái ngay sau cổng làng. Sau tam quan có một tượng đài Quan Âm Nam Hải trắng toát được xây cao trên mặt ao. Du khách bước qua cây cầu nhỏ sẽ thấy một giếng đá ong ở bên phải và một tam quan nội nhìn ra ao sen ở bên trái, ở giữa là lối đi vào sân tiền đường. Tất cả ẩn náu trong một khuôn viên tĩnh lặng rộng rãi có nhiều cổ thụ và cây cảnh đẹp đẽ nằm dọc theo con đường Vạn Phúc ở phía tây nam ngày đêm ồn ào xe chạy.

Năm 2005, chùa Vạn Phúc đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Tam quan chùa Vạn Phúc. Photo ©NCCông 2013

Kiến trúc

Tam quan nội đồ sộ, gồm ba cửa vòm mở về phía đông nam, phía trên ở giữa là gác chuông, mái lợp ngói có bờ nóc, bờ chảy đắp hình rồng phượng. Sau tam quan là lối lên bậc tam cấp và đưa khách đi qua hàng cây vào sân tiền đường. Bên trái sân này có một giếng tròn, bên phải là vườn cảnh và cửa phụ dẫn vào khu vực chùa trong. Khu trong gồm có nhà Tổ và nhà Mẫu cùng các dãy nhà khách và nhà tăng. Khuôn viên có tường hoa bao quanh, ở phía sau là vườn tháp mộ.

Toà tiền đường rộng 5 gian 2 dĩ, kiểu 2 mái chảy lợp ngói ri, tường hồi bít đốc tay ngai. Bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc là 2 đấu đinh. Các bộ vì đỡ mái được làm theo chỉ 2 kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền xà nách” và “thượng chồng rường con nhị, hạ rường nách, quá giang”. Bên trong tiền đường thông với trung đường và sân sau.

Tiền đường chùa Vạn Phúc. Photo ©NCCong 2021

Trung đường rộng 3 gian, kiểu 2 tầng 4 mái chảy lợp ngói ri, tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp bờ đinh, hai bên hồi xây giật cấp. Các bộ vì làm theo 2 kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ rường nách, bẩy hiên” và “thượng chồng rường con nhị, hạ cốn, bẩy hiên”. Toà thượng điện gồm 3 gian dọc, kiểu 2 tầng 4 mái, tường hồi bít đốc, các bộ vì chỉ làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ”; bên dưới xây các bệ thờ từ thấp lên cao, làm nơi đặt các pho tượng Phật giáo.

Di vật

Trong chùa Vạn Phúc có bài trí khá đầy đủ một hệ thống tượng Phật giáo theo phái Bắc tông. Giáp lưng thượng điện, bên tả là bộ tượng Đức ông, bên hữu là bộ tượng Thánh tăng, còn trên bệ thờ tầng cao nhất là bộ ba tượng Phật tam thế ngồi trên toà sen. Bệ tiếp theo đặt tượng Phật A Di Đà ở giữa hai tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cũng trên toà sen. Bệ dưới có tượng Phật Thích Ca thành đạo ngồi giữa hai tượng Quan Âm. Bệ dưới nữa đặt tượng Ngọc Hoàng ở giữa hai tượng Thiên Vương. Bệ trung tâm có tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, bên cạnh là tượng Quan Âm tống tử và Phật Di Lặc; tiếp theo có toà Cửu Long với tượng Thích Ca sơ sinh...

Trong chùa Vạn Phúc. Photo ©NCCong 2021

Di tích lân cận

©NCCong 2013-2021, Van Phuc pagoda (Ha Dong)