753 Trung Tuu community hall
Đình Trung Tựu
Bạch Hạc Tam Giangq.Bắc Từ Liêmsông NhuệĐình Trung Tựu 中就 còn gọi đình thôn Trung, được xây năm 1830. Thờ: Đức thánh Bạch Hạc Tam Giang. Lễ hội Bơi Đăm: từ 9 đến 11 tháng Ba âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: 3P8Q+4Q4, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 16 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: Gần Trường Tiểu Học Tây Tựu B - Yên Nội.
Giới thiệu
Xã Tây Tựu có tên Nôm là làng Đăm, một trong những xã ở vùng đồng bằng Bắc Bộ với truyền thống hiếu học. Từ thời Hồng Đức đến thời Nguyễn, xã có 4 vị đỗ tiến sĩ, 5 hương cống, 5 cử nhân và khoảng 30 tú tài…. Trước kia đây vốn là một xã nông nghiệp thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sang thế kỷ XXI, xã trở thành phường Tây Tựu, thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội và hiện đang nổi tiếng nhờ những cánh đồng trồng hoa tươi đẹp.
Xã Tây Tựu gồm 3 thôn, dân sở tại gọi là 3 miền: Thượng, Hạ, Trung. Mỗi thôn này lại có một ngôi đình riêng nhưng tất cả đều thờ vị thành hoàng chung là Đức thánh Tam Giang, danh khác là thần Bạch Hạc Tam Giang. Theo nội dung bản thần phả còn lưu trong cung cấm thì ngài vốn là danh tướng Đào Trường tổng chỉ huy thuỷ quân dưới thời Hùng Vương thứ 18.
- Ao đình Trung Tựu ©NCCong 2021
Du khách từ trung tâm thủ đô Hà Nội đi về Cầu Giấy rồi tiếp tục theo hướng tây đến ngã ba Cầu Diễn - Văn Tiến Dũng thì rẽ tay phải, chừng 300m rẽ trái vào đường Phú Minh. Sau khi đi qua trường THPT Tây Đô đến ngã tư nhớ rẽ trái vào chợ thôn Hạ, đi tiếp 150m lại rẽ trái nữa sẽ thấy đình Trung Tựu nằm ở cuối ngõ và giáp với cánh đồng làng.
Kiến trúc
Đình Trung Tựu được xây năm 1830, đã qua trùng tu năm 1942 và 2018. Đại bái nhìn về phía đông-đông-nam qua tiền tế ra cổng nghi môn, ao sen và đồng lúa. Nghi môn gồm 2 trụ biểu, thân đắp câu đối chữ Hán, hai bên có cặp phù điêu hộ pháp vác binh khí đứng canh và hai cổng phụ xây 2 tầng 8 mái lợp ngói ống giả. Tiền tế là một phương đình kiểu chồng diêm, 8 mái đao cong lợp ngói mũi hài, tất cả dựa vào 16 cây cột đứng trên nền cao 60cm với bậc thềm rồng ở 4 phía.
- Tiền tế đình Trung Tựu ©NCCong 2021
Sau tiền tế là sân gạch, hai bên có dãy tả hữu mạc. Đại bái 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Hai trụ biểu cũng đắp câu đối chữ Hán, đỉnh trụ hình 4 con chim phượng đuôi chụm nhau, đầu quay 4 hướng. Mảng tường vượt có cặp phù điêu quan văn và quan võ. Gian giữa đình kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ, tất cả các mái đều lợp ngói mũi hài. Bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đốc mái có đầu kìm hình rồng, miệng ngậm bờ nóc.
Di sản
Mảng kiến trúc trang trí tập trung vào các bức chạm gỗ trên cốn mê ở gian giữa với đề tài rồng ổ, tứ quý và hoa văn hình kỷ hà. Tám đầu dư được chạm nổi và chạm lộng hình rồng, mang nét tiêu biểu của nghệ thuật thế kỷ XIX. Các đầu bẩy được trang trí văn hoa lá. Ngoài các hiện vật như cây đèn, cây nến, tàn lọng, lọ hoa, v.v. trong đình còn lưu giữ được chiêng đồng cùng hương án, các bức hoành phi, câu đối và 01 khám thờ, 01 long ngai bài vị, đều sơn son thếp vàng rực rỡ.
- Đại đình Trung Tựu ©NCCong 2021
Hàng năm dân làng tổ chức 4 kỳ tế lễ vào ngày sinh của thành hoàng 12 tháng Hai, ngày hoá 10 tháng Sáu cùng hai ngày khánh hạ 15 tháng Ba và 12 tháng Năm theo âm lịch. Nhân dịp đó, sau nghi thức tế lễ trang nghiêm còn diễn ra các trò vui chơi dân gian truyền thống với số người tham gia đông đảo. Đặc biệt ba năm một lần vào ngày 10 tháng Ba có hội bơi Đăm diễn tả lại nghệ thuật đua thuyền và chỉ huy thuỷ quân của Đức thánh Tam Giang.
Ngày 13-2-1996, đình Trung Tựu được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Đại Cát: phố Sùng Khang, phường Liên Mạc.
- Chùa Hưng Khánh: phố Đăm, phường Tây Tựu.
- Chùa Nhổn (Càn Phúc Tự): ngõ Tu Hoàng, phường Xuân Phương 1.
- Chùa Văn Trì: thôn Văn Trì, phường Minh Khai.
- Đình Đại Cát: phố Sùng Khang, phường Liên Mạc.
- Đình Tu Hoàng: ngõ Tu Hoàng, phường Xuân Phương 1.
- Đình Văn Trì: thôn Văn Trì, phường Minh Khai.
- Miếu Thượng: phố Tây Đam, phường Tây Tựu.
753 dinh Trung Tuu ©NCCông 2018-2024