754 Huong Duong pagoda

Chùa Hướng Dương (Vĩnh Minh Tự)

h.Thường Tínsông HồngLê trung hưng

Chùa Hướng Dương có từ thế kỷ XVII. Tên chữ: Vĩnh Minh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: RVMM+26, xã Thắng Lợi, H. Thường Tín, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 25km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Đông Y Phúc Kiến - Chợ Cầu trên QL1A (xe 06a, 06c, 06d, 06e, 62, 101).

Lược sử

Chùa làng Hướng Dương có từ thời Lê trung hưng, tên chữ là Vĩnh Minh Tự. Đến đầu thế kỷ XIX, ngôi làng này vẫn gọi là thôn Lê Xá, thuộc xã Hướng Dương, tổng Bình Lăng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Hiện nay tên là thôn Hướng Dương, thuộc xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Du khách đi qua cổng làng Hướng Dương theo con đường ở giữa hai hồ nước, bên tay phải là ngôi đình, rẽ trái sẽ đến chùa Vĩnh Minh. Chùa nằm ở góc tây-bắc cuối làng, bên hữu có con đường ven hồ ao dẫn đến nghĩa trang giáp dòng kênh thủy lợi và cánh đồng phía sau lưng. Phía tây chùa là khu văn chỉ và miếu làng.

Cổng chùa Vĩnh Minh. Photo ©NCCong 2019

Ngày 16-1-1995, ngôi chùa cùng đình làng Hướng Dương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia về kiến trúc nghệ thuật.

Kiến trúc

Chùa Vĩnh Minh đã trải qua nhiều lần trùng tu, dáng vẻ ngày nay in đậm nét nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Phía bên tả là cổng phụ đưa khách đi vào chùa trong qua một giếng tròn to phủ đầy bèo ong. Mặt chùa nhìn qua sân và cổng tam quan hơi chếch về phía nam. Khuôn viên chùa khá rộng rãi có tường xây bao quanh và nhiều tán cây cổ thụ rủ bóng mát.

Sân chùa Vĩnh Minh. Photo ©NCCong 2019

Tam quan Vĩnh Minh Tự xây 2 tầng nhưng chỉ gồm 1 cửa vòm và hai cửa bịt, phía sau là sân gạch rộng. Cấu trúc chùa chính gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện kết nối thành hình "chữ Đinh". Phía sau chùa có toà hậu đường làm theo hình "chữ Nhị", gồm nhà Tổ, nhà Mẫu và nhà khách.

Toà tiền đường xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái dốc chảy lợp ngói ta, phía dưới là các bộ vì gỗ. Trên bờ nóc, bờ guột đắp nổi chữ đinh, đắp kìm vuông hình đấu giữ bờ mái. Khung nhà dựa trên 3 hàng cột với hệ thống xà dọc, xà ngang liên kết có những bộ vì thượng làm theo thức “chồng rường giá chiêng”. Trên má và lòng câu đầu, thân kẻ bẩy có trang trí hoa văn thực vật, chữ triện. Các mảng kiến trúc của chùa có ít trang trí hoa văn đơn giản.

Giếng chùa Vĩnh Minh. Photo ©NCCong 2019

Di vật

Trong chùa trước kia có treo một quả đại hồng chung tên là “Vình Minh Tự Chung” (chuông chùa Vĩnh Minh) được đúc vào năm Gia Long 15 (1816). Sau chuông bị hư hỏng nên đến năm Tự Đức 6 (1853) dân làng lại cho đúc một quả chuông mới để thay thế. Trên tòa tam bảo có xây 4 lớp bệ thờ thấp dần từ sau ra trước, là nơi bài trí 24 pho tượng Phật giáo theo hệ phái Bắc tông.

Lớp thứ nhất gồm 3 pho Tam thế Phật tọa lạc ở trên cùng sát tường hồi thượng điện. Lớp thứ hai bày bộ tượng Di đà tam tôn: ở giữa là Phật A Di Đà, hai bên là Bồ tát Quan âm và Đại Thế Chí. Lớp thứ ba đặt tượng Thích Ca giáo chủ, hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu. Lớp cuối cùng là tòa Cửu Long ở giữa có khối tượng Thích Ca sơ sinh, hai bên là vị Thánh Tăng và Thổ Địa. Ngoài tiền đường có ban thờ bộ tượng Đức Ông và ban thờ bộ tượng Thánh Hiền. Đứng ở đầu toà thiêu hương là hai pho tượng Hộ pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác.

Di tích lân cận

©NCCông 2019-2021, Huong Duong pagoda