758 So Thuong pagoda

Chùa Sở Thượng (Hưng Phúc Tự)

q.Hoàng Maihồ đầmLê sơ

Chùa Sở Thượng có từ khoảng thời Hậu Lê. Tên chữ: Hưng Phúc Tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (1998). Vị trí: P. Hưng Phúc, Yên Sở, XV78+9Q3, Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 8,5 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: 216 Tam Trinh (xe 30), QL1A - chân đường dẫn cầu Thanh Trì (xe 04, 48).

Lược sử

Sở Thượng là một làng nằm ở ven bờ tả ngạn sông Hồng, có vị thế quân sự án ngữ con đường thuỷ lớn nhất nối các vùng phía đông nam kinh đô Thăng Long. Làng được hình thành trên phần đất bãi vốn là của một trong 43 sở đồn điền được vua Lê Thánh Tông (1442-1497) cho lập vào năm Hồng Đức 14 (1483) với quân đội làm nòng cốt để bảo vệ kinh đô. Nhà vua đồng thời đưa tù binh Chiêm Thành đến khai phá đất hoang, trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm và gia súc để phát triển kinh tế.

Ngôi chùa làng tên chữ là Hưng Phúc Tự, có từ khoảng thời Hậu Lê, ngày nay nằm trên một khoảnh đất rộng ở phía nam đường Vành đai 3. Du khách đi theo con đường dẫn của cầu Thanh Trì có thể chụp ảnh toàn cảnh. Tam quan chùa giáp với đường làng ở phía tây và nhìn ra hồ sen hình vuông, chếch bên trái là lưng đình Sở Thượng. Tất cả tạo thành một cụm di tích lịch sử văn hoá và cảnh đẹp của ngôi làng thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Ao chùa Sở Thượng. Photo ©NCCông 2023

Trong giai đoạn từ cuối năm 1946 đến đầu 1947, cả chùa cùng với đình làng Sở Thượng đều bị phá huỷ gần hết để thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến chống Pháp. Sau đó những đi tích này đã dần dần được sửa chữa, tôn tạo nhưng không còn giữ được kiến trúc ban đầu. Hai lần đại tu ngôi chùa gần nhất là vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã định hình nên dáng vẻ mới bây giờ.

Kiến trúc

Cổng chùa làm theo lối tam quan cuối thời Nguyễn. Tầng dưới gồm 3 cửa lớn xây vòm cuốn, ngăn cách nhau bởi các cột trụ biểu, ba mặt trụ đều có câu đối chữ Hán. Tầng trên xây kiểu 4 mái, chồng diêm, mái lợp giả ngói ống, chính giữa bờ nóc có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao đều gắn hình rồng đuôi xoắn, phía trên gác giữa có đắp ba chữ Hán ghi tên Hưng Phúc Tự. Hai bên cổng chính là hai cổng phụ có kích thước nhỏ hơn.

Trong chùa Sở Thượng. Photo ©NCCông 2023

Sau tam quan là sân trước với nhà bia và lầu Quan Âm đều xây kiểu nhà vuông 8 mái, lợp ngói ri, các đầu đao cong vút được đắp hình rồng. Phía bên tay phải là vườn tháp gồm 5 ngôi mộ của các vị sư trụ trì đã viên tịch. Hai bên sân trước chùa có 2 dãy nhà giải vũ 5 gian kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri. Tiền đường 5 gian nhìn về phía tây nam, kết nối với thượng điện sâu 3 gian theo hình “chữ Đinh”. Phần mái hiên xây kiểu tam quan, chồng diêm, 4 mái, đầu đao đắp hình rồng. Phần chính giữa đắp bức cuốn thư, hai bên đắp nổi tranh Phật giáo. Ngoài ra còn có nhà Tổ và nhà Mẫu. Sau lưng chùa là vườn rộng.

Di sản

Trong chùa còn bảo lưu 30 pho tượng tròn Phật giáo Bắc tông được tạo tác từ thế kỷ XVIII đến XX, trong đó có toà Cửu Long với Thích Ca sơ sinh được làm bằng đồng ghi năm Cảnh Thịnh 5 (1797) và bộ tượng Tam Thế Phật mang dấu ấn nghệ thuật cuối thời Lê. Các cổ vật đáng kể khác gồm 01 choé sứ trắng vẽ lam và 01 bát hương sứ men lam từ thế kỷ XVIII, 01 đỉnh đồng thế kỷ XIX, 02 chuông đồng, trong đó một quả được trang trí hoa văn và cũng ghi niên hiệu Cảnh Thịnh, có kích thước cả quai cao 106 cm, đường kính 58 cm.

Sân chùa Sở Thượng. Photo ©NCCông 2023

Chùa Sở Thượng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 95/QĐ-BVHTT ngày 24/01/1998.

Di tích lân cận

©NCCông 2014-2021, So Thuong pagoda