764 Xuan Duc community hall

Đình Xuân Dục

huyền thoạihuyện Gia Lâmsông Đuống

Đình Xuân Dục có từ thời Lê trung hưng. Thờ 2 vị thần: Nam Phổ và Lý Tam Lang. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: 3WV4+M4, thôn Xuân Dục, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 13 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: Đd ngõ vào Cty vật tư Mỏ địa chất - QL3 (xe 15, 17, 43, 122), Cạnh đường vào Phù Đổng - 44 Hà Huy Tập (xe 10a, 10b, 54)

Địa lý

Yên Thường là một xã thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Xã có diện tích 8,69 km², dân số năm 1999 là 13.986 người, mật độ đạt 1.609 người/km². Trong xã có 9 thôn: Dốc Lã, Đình Vỹ, Đỗ Xá, Lại Hoàng, Liên Đàm, Trùng Quán, Xuân Dục, Yên Khê, Yên Thường. Trên bản đồ xã, phía tây bắc giáp với huyện Đông Anh, phía nam giáp thị trấn Yên Viên, còn phía đông bắc giáp tỉnh Bắc Ninh.

Lược sử

Đình Xuân Dục trước kia ở làng Xuân Ổ, tổng Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Đình thờ 2 vị thần là Nam Phổ và Lý Tam Lang. Theo truyền thuyết, Nam Phổ là một trong 50 người con theo Lạc Long Quân xuống núi khai phá đồng bằng ven biển. Khi Bà Trưng khởi nghĩa đã từng dừng chân nghỉ ở Xuân Ổ và nằm mộng thấy một người hiện lên tự xưng là thuỷ thần Nam Phổ muốn giúp Hai Bà đuổi giặc Hán. Sau khi lên ngôi vua, Hai Bà đã cho dân Xuân Ổ dựng đền thở thần và ban sắc phong là Tuyên Linh đại vương.

Cổng đình Xuân Dục. Photo ©NCCong 2015

Cũng theo truyền thuyết, Lý Tam Lang nguyên là một vị quan Phó chỉ huy sứ ở thời Lý đã mộ hương binh và gia tướng đi đánh giặc Chiêm Thành ở phương nam. Sau ngày chiến thắng ngài được vua Lý ban lộc điền ở huyện Đông Ngàn nhưng xin về mở trường dạy học cho con em trong vùng. Khi ngài mất, dân chúng nhớ ơn lập đền thờ phụng và triều đình về sau đã ban sắc phong làm thượng đẳng phúc thần.

Năm 1994, ngôi đình làng Xuân Dục được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Cho đến nay đình Xuân Dục đã trải qua tu sửa nhiều lần. Trên câu đầu và các chân tảng đá kê cột ở hiên có ghi chép về đợt sửa chữa năm 1934. Đến đầu thế kỷ XXI, đình lại có đợt đại trùng tu nhưng vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc thời Lê-Nguyễn.

Sân đình Xuân Dục. Photo ©NCCong 2015

Đình toạ lạc trên một khu đất rộng rãi và cao ráo ở giữa làng. Mặt đình quay hơi chếch về phía đông nam, nhìn qua sân và ao bán nguyệt ra một hồ nước dài hình chữ nhật. Ba phía kia xung quanh có vườn cây mát mẻ. Bên tả là chiếc cổng được xây kiểu nghi môn với 4 trụ biểu, thân trụ có đắp các câu đối chữ Hán. Sau cổng là sân đình khá lớn và lát gạch to, thường xuyên có trẻ em và người già dạo chơi. Phía sau lưng đình là sân hậu và lối thông sang khu văn hoá của làng.

Toà tiền tế gồm 5 gian 2 chái lớn, cửa gỗ, kết nối với nhà cầu và hậu cung theo hình “chữ Công”, các mái đao cong đắp hình rồng quay đầu về nóc. Tất cả nằm trên nền cao, thềm lát đá xanh, lợp ngói ri. Nhà cầu 4 mái hở cổ diềm để lấy ánh sáng từ hai bên. Toà hậu cung xây 3 gian tường hồi bít đốc, cao hơn bình thường, các bộ vì làm kiểu chồng rường giá chiêng hạ kẻ, gian giữa có sàn gỗ 120cm để đặt long ngai, chạm rồng chầu sơn son thếp vàng.

Sau đình Xuân Dục. Photo ©NCCong 2015

Di sản

Đình Xuân Dục được khởi dựng từ lâu, muộn nhất cũng vào đầu thế kỷ XVII. Cho đến thời Lê trung hưng đình đã nhận sắc phong thành hoàng liên tiếp vào các đời Cảnh Trị (1633-1671), Dương Đức (1672-1674), Chính Hoà (1680-1705). Trong hậu cung đình hiện còn lưu được 33 đạo sắc phong của các triều đại Lê trung hưng, Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2021, Xuan Duc community hall