769 Quynh Loi pagoda

Chùa Quỳnh Lôi (Long Khánh Tự)

q.Hai Bà Trưngs.Kim Ngưunhà Trần

Chùa Quỳnh Lôi có từ thời Trần. Tên chữ: Long Khánh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: Ngõ Quỳnh, XVX4+HX9, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 4 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: 242 Minh Khai, 33-35 Thanh Nhàn, hoặc 44 Kim Ngưu.

Lược sử

Cuối thời Pháp thuộc, 15 thôn trại ngoại ô ở phía nam con đê La Thành của Hà Nội vẫn còn lũy tre và đồng ruộng. “Mười lăm thôn trại rộng dài / Quỳnh Lôi, Trung Tự, Bạch Mai, Cầu Dền”. Trải qua nhiều biến đổi, đến năm 1981 Quỳnh Lôi trở thành một phường của quận Hai Bà Trưng.

Ngược dòng lịch sử, vùng này vốn nằm bên ngoài toà thành đất của kinh đô Thăng Long thời Trần và thuộc về lộ Sơn Nam. Đến thời nhà Lê nơi đây trở thành xã Quỳnh Lôi, thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Thời Nguyễn gọi là trại Quỳnh Lôi, tổng Tả Nghiêm, thuộc huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, tỉnh Hà Nội.

Ngũ môn quan chùa Quỳnh Lôi ©NCCong 2019

Quỳnh Lôi nằm ven con đường Thiên lý cũ, vào khoảng từ ngã tư Trung Hiền đến Ô Cầu Dền, ở gần một loạt các di tích nổi tiếng như: đình Đại, đình Đông, chùa Liên Phái, chùa Mai Hương, nghè Bồ, đình và chùa Tương Mai. Ngôi đình Quỳnh Lôi có từ thời Lê trung hưng, còn ngôi chùa làng Quỳnh theo các cụ già sở tại thì được lập vào thời Trần.

Văn bia "Trùng tu Long Khánh Tự bi ký" do Hộ bộ Thượng thư Phùng Khắc Khoan soạn có đoạn ghi: “...ngày Phật đản năm Giáp Thìn Hoằng Định 5 (1604), chùa xây tam quan, tiền đường, thiêu hương, đắp tượng hộ pháp. Năm Bính Ngọ (1606) lại sửa nhà tăng, nhà oản, đắp tượng Thích Ca...”. Năm Mậu Thân (1608) vua Lê Kính Tông và chúa Trịnh Tùng đã đến dự lễ khánh thành chùa.

Sân chùa Quỳnh Lôi ©NCCong 2019

Năm 1995, chùa Quỳnh Lôi được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2014, chùa lại được UBND TP Hà Nội công nhận Di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến.

Kiến trúc

Năm 1909 chùa Quỳnh Lôi bị cháy nhưng đã được xây lại ngay. Từ đó đến nay chỉ giữ được ít dáng dấp kiến trúc thời Lê sau nhiều lần tu bổ, tôn tạo theo kiến trúc thời Nguyễn. Chùa có tường cao bao quanh khuôn viên khép kín. Du khách đi vào ngõ Quỳnh sẽ thấy toà tam quan đồ sộ có gác chuông ở giữa cao ba tầng và hai cửa phụ làm thành một cổng ngũ môn quan. Phía sau là sân dẫn đến toà tiền đường kết nối với thượng điện thành hình “chữ Đinh”, hai bên sân là nhà thờ Mẫu và thờ Tổ ở cạnh khu tháp mộ cùng vườn cây.

Tiền đường chùa Quỳnh Lôi ©NCCong 2019

Chùa nhìn về phía tây nam. Toà tiền đường gồm 5 gian với bộ vì kiểu chồng rường. Toà thượng điện là một cốn kín toàn gian, tạc mặt hổ phù lớn, hai bên có hình rồng. Trên các bệ xây là các tượng Phật giáo bài trí theo hệ phái Bắc tông. Đáng lưu tâm tại đây còn có các pho tượng hậu tạc hình ông bà Trịnh Tạc, con của quận công Trịnh Đỗ, người có công lớn trong đợt trùng tu ngôi chùa vào năm 1606 và được ca ngợi trong bài văn bia đã nói ở trên của Phùng Khắc Khoan.

Di vật

Ngoài rất nhiều hoành phi, câu đối và các bộ tượng Đức Ông, Thánh Hiền, chùa còn có hai pho tượng Hộ pháp mang niên đại tạo tác thế kỷ XVIII. Đó là hai pho tượng lớn duy nhất sót lại trong tiền đường sau lần hoả hoạn năm 1909. Khi đó các tượng nhỏ đã được chuyển vào toà tháp 7 tầng ở bên phải chùa.

Tượng hộ pháp chùa Quỳnh Lôi ©NCCong 2019

Một hiện vật tiêu biểu khác là chiếc nhang án tại nhà Mẫu. Nhang án có kích thước 154 x 78 x 96 cm được chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng hoa lá, hổ phù, lá hóa rồng, những cánh hoa sen, lá đề, vân mây, lá hóa phượng và mang dáng vẻ nghệ thuật cuối thời Lê.

Di tích lân cận

769 chùa Quynh Loi ©NCCông 2018-2020