774 Phuong Bang temple

Đền Phương Bảng

h.Hoài ĐứcTiền Lýsông Đáy

Đền Phương Bảng tức Đình Quán Phương Bảng có từ thời Hậu Lê. Thờ: Lý Phục Man. Xếp hạng: di tích quốc gia (1997). Vị trí: 2MFX+M8, thôn Phương Bảng, xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 21 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Trường THCS Song Phương (xe 66)

Địa lý

Song Phương là một xã nông nghiệp nằm bên tả ngạn sông Đáy, nay thuộc huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Phía bắc giáp hai xã Sơn Đồng, Tiền Yên; phía đông giáp hai xã Lại Yên, An Khánh; phía tây giáp xã Vân Côn; phía nam giáp hai xã An Thượng, Vân Côn và có đại lộ Thăng Long chạy qua. Xã có diện tích 573 ha với dân số năm 1999 là 9.930 người.

Song Phương dưới thời Nguyễn thuộc tổng Đắc Sở, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Hiện nay xã gồm thôn Phương Viên, thôn Phương Bảng cùng trại Ngòi và trại Ba Lương. Theo quy hoạch, trên địa bàn ngoại ô của TP Hà Nội mở rộng sẽ mở thêm tuyến đường Vành đai 4. Đoạn đường đi thẳng qua xã Song Phương dài khoảng 1,5km sẽ bắt đầu từ Đại lộ Thăng Long tại vị trí cách cầu vượt Song Phương khoảng 400m và kết thúc ở đê Song Phương tại vị trí cách đê Tiền Lệ khoảng 370m.

Cổng đền Phương Bảng. Photo ©NCCong 2021

Lược sử

Thôn Phương Bảng tên Nôm là làng Ngòi. Liền kề bên cạnh đình làng có ngôi đền cổ, dân gọi là “Đình Quán” mặc dù không phải là đình và cũng chả phải là quán đạo Giáo. Đền thờ một nhân thần không rõ tên thật. Theo truyền thuyết, ngài là một vị tướng tài đã lập công lớn giúp Lý Nam Đế đánh thắng quân Lâm Ấp đến xâm lược nước Vạn Xuân nên được vua gả con gái và đổi tên là Lý Phục Man. Sau khi hoá, ngài được các triều đại ban sắc phong thần và nhiều làng ở vùng Hoài Đức tôn thờ làm thành hoàng.

Năm 1997, Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng đền [và chùa] Phương Bảng là Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.

Tiền tế đền Phương Bảng. Photo ©NCCong 2021

Kiến trúc

Ngôi đền Phương Bảng đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, nay mang dấu ấn của nghệ thuật thời Lê-Nguyễn. Đền nằm ở rìa làng, ven đường liên xã từ Song Phương đi Sơn Đồng, bên kia đường là xã Lại Yên với một loạt di tích văn hoá. Đền toạ lạc trong một khuôn viên khá lớn, cây cối um tùm, xung quanh có hồ ao đẹp và liền kề với ngôi đình làng.

Đền quay mặt về hướng đông nam, cổng mở ra đường làng Phương Bảng. Nghi môn gồm 3 gian để trống mặt tiền, cửa vuông bằng gỗ lim, bậc thềm lùi vào sau trụ biểu khoảng 4m tạo thành một sân nhỏ, hai bên tường đắp phù điêu hộ pháp. Du khách bước qua cổng vào sân gạch thấy ngay ở giữa hai dãy tả hữu vu có toà tiền tế kiểu phương đình 2 tầng 8 mái dựa trên 12 cột đá, xây vào đầu thế kỷ XX. Tiếp theo tiền tế là toà đại bái 3 gian 2 chái rồi đến nhà cầu dẫn xuống toà trung cung kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ. Tất cả các mái đều lợp ngói ri.

Trong đền Phương Bảng. Photo ©NCCong 2021

Di vật

Trong toà đại bái ở đền Phương Bảng hiện còn lại những mảng điêu khắc gỗ trang trí hình rồng, lân, lá lật và lá ngô đồng. Tại chính điện có treo một bức hoành phi đề 4 chữ Hán “Tiêu liệt vạn cổ” và đôi câu đối ca ngợi tài trí văn võ song toàn của đức thành hoàng. Trong toà hậu cung, các xà đùi xếp khít nhau tạo thành các mảng cốn chạm hình rồng, phượng, mây, bên dưới là hương án chạm nổi, tất cả mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Gian cuối lắp bức phù điêu to sơn son thếp vàng, chạm nổi đôi chim phượng múa chầu bình hoa lá ngọc cành vàng.

Di tích lân cận

774 Phuong Bang temple ©NCCông 2011-2021