779 Dao Nguyen community hall

Đình Đào Nguyên

sông Đáyh.Hoài ĐứcBắc thuộc

Đình Đào Nguyên có từ thời Lê trung hưng. Thờ: Bố Cái đại vương Phùng Hưng và phu nhân. Vị trí: 2P32+3RX, thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, H. Hoài Đức, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 20km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Trước 50m lối vào UBND huyện Hoài Đức (xe 66, 74, 87, 88, 104, CNG01)

Địa lý

Đào Nguyên là một trong 5 thôn của xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Vị trí thôn về phía tây bắc giáp với xã Song Phương, phía đông bắc giáp xã An Khánh, phía tây nam giáp xã Vân Côn, phía đông nam giáp 3 thôn Ngự Câu, Thanh Quang, An Hạ (cùng thuộc xã An Thượng). Diện tích xã An Thượng hiện là 785 ha, dân số 11.143 người (1999), đạt mật độ 1.419 người/km2. Trừ dân Đào Nguyên và Ngự Câu, các thôn còn lại có môt số dân theo đạo Thiên chúa.

Đại lộ Thăng Long nối đường Láng với thị trấn Hòa Lạc là trục giao thông đông-tây đi qua cạnh thôn Đào Nguyên ở chỗ cắt đường Đê Tả Đáy. Đại lộ này rộng 140m với 8 làn cao tốc, 6 làn đô thị và các làn đường dự trữ tương lai. Hiện nay 2 làn đường sắt đô thị đang được chuẩn bị xây dựng. Đường Đê Tả Đáy có tới 2 làn đường riêng biệt, mỗi làn rộng 4m. Ngoài ra còn có nhiều đường liên xã, liên thôn đã được bê tông hoá, tạo nên lợi thế về giao thương.

Hồ đình Đào Nguyên. Photo ©NCCong 2021

Giới thiệu

Địa hình thôn ở trên gò đất cao và nằm trong đê Đê Tả sông Đáy cho nên không bao giờ bị thiệt hại bởi lũ lụt, kể cả đợt mưa to lịch sử hồi tháng 10-11 năm 2008. Trạm bơm lớn nhất vùng được đặt ở đây nhằm tiêu úng cho hai huyện Hoài Đức và Từ Liêm. Thôn gồm một khu dân cư (chủ yếu ở ven đê sông Đáy) và hai khu đất nông nghiệp càng ngày càng bị thu nhỏ từ cuối thế kỷ XX.

Dự án đường Vành đai 4 khởi động vào thập niên 2020 và sẽ tạo nên một trục giao thông cao tốc bắc-nam. Ngã tư đường Láng Hòa - Lac với đường Vành đai 4 là một ngã tư hoàn chỉnh không có giao cắt khi chuyển hướng với một cầu vượt và 4 vòng tròn cho xe rẽ trái không cắt mặt xe khác. Tổng diện tích dự án lên đến gần 20 ha, nằm trên ngã ba của 3 xã An Thượng, An Khánh, Song Phương. Cảnh quan của cả vùng sẽ thay đổi nhanh chóng.

Đình Đào Nguyên đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Đình Đào Nguyên. Photo ©NCCong 2021

Kiến trúc

Đình Đào Nguyên quay mặt về hướng tây nhìn qua hồ nước nhỏ ra chân đê tả Đáy cho nên vào buổi chiều nắng nhẹ mà đứng từ mặt đê cao nhìn xuống cảnh rất đẹp. Hai bên đình là đường làng và khu dân cư nhà cửa nhấp nhô, phía trước còn có Nhà Văn hoá và Trường Mẫu giáo thôn. Bên kia đê là cánh đồng đất phù sa màu mỡ phủ một màu xanh tươi quanh năm.

Năm 2020, đình được trùng tu nhưng vẫn còn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ truyền với mặt bằng xây dựng hình chuôi vồ và mái ngói ri. Cổng đình xây kiểu nghi môn với các trụ biểu có đắp câu đối chữ Hán. Sân đình lát gạch, hai bên là hai dãy nhà tả, hữu vu. Tiền tế gồm 5 gian tường hồi bít đốc, hậu cung 3 gian. Xung quanh hậu cung và trong sân có một số cây che bóng mát.

Tháng 12.2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 4548/BVHTTDL-DSVH gửi UBND TP Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Đào Nguyên. Theo đó, Bộ thỏa thuận Dự án với nội dung trùng tu đại bái, hậu cung, sân và hạ tầng kỹ thuật.

Bia đình Đào Nguyên. Photo ©NCCong 2021

Di sản

Hàng năm, nhân dân và chính quyền địa phương tổ chức lễ hội đình Đào Nguyên vào ngày 10 tháng Hai âm lịch, cùng dịp với lễ hội của các làng An Hạ, Ngự Câu, Lại Dụ, Thanh Quang bên cạnh để tưởng niệm Bố Cái đại vương Phùng Hưng và phu nhân. Trong dịp này diễn ra đám rước kiệu, còn cứ 5 năm thì có một lần mở đại lễ hội. Trong đình còn giữ được một cái chuông lớn, các cụ già làng kể rằng trước đây do đình bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp nên chuông đã bị giảm tiếng vang.

Di tích lân cận

©NCCong 2012-2021, Dao Nguyen community hall