783 Long Bien railway station

Ga Long Biên

Long Biêntrạm, ga

Ga Long Biên được người Pháp khánh thành vào năm 1902 cùng với cầu Long Biên và ga Hàng Cỏ. Vị trí: 2VQ2+X3 Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,5km (hướng 1h). Trạm bus lân cận: Điểm Trung Chuyển Long Biên.

Giới thiệu

Ga Long Biên xưa gọi là ga Đầu Cầu vì ở vị trí đầu cầu xe lửa gần cửa ô cũ Phúc Lâm [1]. Ga được xây xong cùng với cầu Long Biên vào năm 1902 và chỉ có mỗi một đường ray chính với dãy nhà nhỏ làm nơi tàu hỏa tạm dừng chỉ trong vài phút. Trong khi một nhà ga đúng nghĩa thường có bờ ke cho khách lên xuống an toàn và hệ thống những đường ray có thể bẻ ghi để các đoàn tàu tránh nhau hoặc đổi hướng và dồn toa.

Mặt trước ga Long Biên ©NCCong 2014

Ga Long Biên từ đầu thế kỷ XX đã trở thành một địa điểm thuận tiện cho hành khách lên xuống tàu tại khu vực phố cổ Hà Nội vốn là trung tâm thương mại lâu đời. Số khách này trước kia phần lớn là dân tiểu thương từ Kinh Bắc mang hàng đi qua cầu sang bán tại bãi đất trống ở phía đông chợ Đồng Xuân ngay gần ga. Nhờ vậy mà hình thành dần dần nên tên gọi của khu “chợ Bắc Qua” quê mùa song nổi tiếng vì sự phong phú của những nông sản tươi sống và hàng hoá tiểu thủ công có giá cả bình dân. Đây cũng là ga nhỏ đầu tiên nằm trong khu vực nội thành Hà Nội cũ trong tuyến đường sắt nối ga Hàng Cỏ với các tỉnh phía đông bắc sông Hồng.

Sân ga Long Biên. Photo ©NCCong 2014

Ga Long Biên nằm cao hơn hẳn mặt đường đê Yên Phụ. Toàn bộ khu nhà chính được đặt trên các vòm đá của cây cầu cạn dành riêng cho tàu hỏa chạy dọc con phố Gầm Cầu chứ không nằm trên mặt đất bằng phẳng như hầu hết các nhà ga khác. Nếu bạn đứng ở phía dưới mà ngước nhìn lên khi nghe thấy tiếng còi xe lửa thì có thể bỗng thấy hồi hộp hoặc thậm chí lo sợ cho số phận của bao nhiêu con người thấp thoáng trong cửa sổ các toa tàu đồ sộ đang chênh vênh sát mép hàng rào sắt mỏng manh ở ngay trên kia.

Lối lên ga từ phố Nguyễn Thiếp ©NCCong 2014

Qua cửa nhỏ dành cho người đi bộ ở hè đường Trần Nhật Duật bạn có thể leo 23 bậc đá xanh đã mòn vết chân người bên hàng lan can mang phong cách kiến trúc Tân cổ điển kiểu Pháp để lên mặt bắc của ga. Trên đó bạn sẽ có dịp nhận ra quang cảnh thú vị của khu phố xung quanh với nhiều cảm xúc lạ lẫm. Ngay gần phòng chờ giữa nhà ga có một cổ thụ xanh tốt bốn mùa, dưới gốc cây là miếu trụ bé tý nhưng cũng đủ chỗ để thắp hương khấn vái. Từ đây nếu theo một lối đi nhỏ khác với các bậc xi măng bạn có thể xuống phố Nguyễn Thiếp ở phía tây nam.

Lối lên ga từ phố Gầm Cầu ©NCCong 2024

Nếu bạn đi về phía cầu Long Biên qua cửa chính dành cho hành khách có hành lý cồng kềnh thì sẽ ra con đường một chiều khá to và chỉ dốc thoai thoải dẫn xuống đường Trần Nhật Duật, cho phép đưa đón người lên ga. Khách bộ hành và xe máy đi qua cầu theo hướng bên tay trái từ phía Gia Lâm vào Hà Nội sẽ nhìn thấy trên mặt tường phía đông của nhà ga có đắp hàng chữ to “Ga Long Biên”. Đáng tiếc rằng mặc dù đồn cảnh sát ở ngay đó mà hiện nay vẫn có các ngôi nhà xấu xí tự bao giờ đã lấn chiếm hai bên con đường dẫn với hàng lan can uốn cong duyên dáng.

Trong ga Long Biên. Photo ©NCCong 2014

Di tích lân cận

783 - Ga Long Bien ©NCCong 2014-2024


[1Tức ô Tiền Trung, xưa quen gọi là cửa ô Hàng Đậu, về sau bị phá mất khi Pháp cho xây cầu Dốc Gạch nối với cầu Long Biên.