787 Que Duong pagoda

Chùa Quế Dương (Vĩnh Phúc Tự)

huyện Hoài Đứcthời Mạcsông Đáy

Chùa Quế Dương tên nôm là chùa Vắng, còn gọi chùa Hạ, có niên đại cuối thời Mạc. Tên chữ: Vĩnh Phúc Tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (1997). Vị trí: 2MXF+R33, thôn Quế Dương, xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 22 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: 373 Đê Cát Quế (xe 66)

Địa lý

Cát Quế là một xã nằm bên sông Đáy và ở phía tây bắc huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Xã có địa giới phía bắc giáp với xã Dương Liễu; phía tây giáp huyện Quốc Oai; phía nam giáp xã Yên Sở; phía đông giáp xã Đức Giang. Tổng diện tích xã là 4,24 km² với dân số 13.260 người (năm 11999). Nơi đây có di chỉ khảo cổ Vinh Quang nổi tiếng từ thời văn hóa Phùng Nguyên cách nay trên 3000 năm.

Xã được thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất bãi trù phú của sông Đáy và người dân sở tại đã làm nên thương hiệu bưởi đường Quế Dương. Theo các cụ cao niên kể lại thì giống bưởi này từ xưa đã cho quả to chín sớm, vỏ vàng rất đẹp, lại ngọt và mọng nước nên được dùng để cung tiến nhà vua.

Ngõ chùa Quế Dương. Photo ©NCCong 2021

Lược sử

Cát Quế gồm hai làng Cát Ngòi và Quế Dương, trong đó Quế Dương chiếm phần lớn diện tích và dân số. Tên xã được ghép từ tên của hai làng nói trên. Điều đặc biệt ở làng Quế Dương là mỗi xóm đều có một cái điếm dùng làm nơi thờ cúng và hội họp, vui chơi của nhân dân. Hiện nay trên địa bàn xã Cát Quế vẫn còn các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng như quán Vật, đền Mẫu và hai ngôi chùa rất cổ: Chùa Đại Bi có từ thời Trần, tên nôm là chùa Bãi, còn gọi chùa Thượng, nằm ở phía bắc của xã. Chùa Quế Dương có từ thời Mạc, tên chữ Vĩnh Phúc Tự, tên nôm là chùa Vắng, còn gọi chùa Hạ, nằm ở phía nam xã.

Năm 1997, chùa Quế Dương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Sân chùa Quế Dương. Photo ©NCCong 2021

Kiến trúc và di vật

Chùa Quế Dương toạ lạc ngay dưới chân đê Tả sông Đáy, lưng dựa vào đường và chợ Cát Quế. Tam quan 2 tầng nhìn hơi chếch về hướng nam. Sau tam quan có lối đi giữa 2 hàng cau dẫn đến sân, bên tay trái là sới vật, bên tay phải có ao sen và cổng ngách mở ra đường làng. Tiền đường gồm 5 gian 2 chái, 4 mái lợp ngói ri, đầu đao cong cong xoè thấp, hiên rộng khoảng 1m. Chùa được tôn tạo đã lâu nên nay xuống cấp. Các bộ vì kèo làm theo kiểu “thượng rường hạ kẻ”. Nối với gian giữa là thiêu hương rồi đến thượng điện 1 gian 2 chái trên nền cao với 4 mái đao có phong cách thời Mạc.

Chùa còn bảo lưu được một tấm bia khối và một tấm bia có tên “Vĩnh Phúc Tự Bi” ghi niên hiệu Đức Long thứ 6 (1634). Hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông trong chùa chủ yếu được tạo tác vào thời Lê và Nguyễn.

Trong chùa Quế Dương. Photo ©NCCong 2021

Trang trí tại vì nóc toà thiêu hương là các mảng chạm khắc hình rồng với đao mác, mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XVIII. Cổ nhất là bộ tượng Di đà Tam tôn và một số tượng hậu nhỏ có niên đại thế kỷ XVII. Chùa nổi tiếng với một bệ thờ bằng đất nung, 4 góc tạc hình chim thần nhưng nhiều chỗ đã mủn vì có từ thời Mạc, nay thuộc loại hiếm hoi ở nước ta.

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2021, Que Duong pagoda