788 Huong Trai pagoda

Chùa Hương Trai

h.Hoài Đứcsông Đáynhà Trần

Chùa Cả Dương Liễu tên chữ là Hương Trai Tự, có từ cuối thời Trần, khoảng năm 1370. Xếp hạng: di tích quốc gia (1964). Vị trí: 3M4F+W94, đường đê Dương Liễu, xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 25 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Ngã 3 Ba Chàng - Minh Khai Cát Quế (xe 66)

Địa lý

Xã Dương Liễu có diện tích 4.31 km², dân số năm 1999 là 11.139 người, mật độ dân số đạt 2.584 người/km². Phía bắc giáp huyện Phúc Thọ và xã Minh Khai. Phía tây giáp huyện Phúc Thọ. Phía nam giáp xã Cát Quế. Phía đông giáp xã Đức Thượng và Đức Giang. Trong xã có thôn Dương Liễu nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử văn hóa như: chùa Hương Trai, chùa Đồng, chùa Bãi, đình Hàng Tổng và quán Dương Liễu. Dân nơi đây có nghề làm miến và bánh kẹo từ lâu đời.

Lược sử

Chùa làng Dương Liễu có từ cuối thời Trần, tên chữ là Hương Trai Tự. Chùa trông bên ngoài khá đơn giản và khuôn viên không lớn nhưng bên trong còn lưu giữ rất nhiều hiện vật quý giá.

Cổng chùa Hương Trai

Trên gác tam quan gian bên trái treo một chiếc khánh đồng có đề chữ Hán ở hai mặt “Hương Trai Tự Khánh, Quý Dậu Niên Trùng Tu”, cho biết niên đại xây lại chùa. Gian giữa có treo một quả chuông đồng cao 123cm, đề 4 chữ “Hương Trai Tự Chung”, đúc năm Gia Long 13 (1814), mặc dù hồi đó nhà vua cấm dân miền Bắc đúc chuông, xây chùa.

Trong chùa thiết đặt đầy đủ đồ thờ và một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông với các phong cách từ thời Mạc đến thời Nguyễn. Tại tiền đường có thêm hai bộ tượng Quan Âm tọa sơn mà dân gọi là bà Tây Năng dạy dân trồng dâu nuôi tằm. Riêng bộ tượng Tam thế Phật ngự ở trên một bệ sen bằng đá ghép hình hộp cao 160cm, mặt rộng 132cm, dài 366cm, phần thân tạc hình chim thần Garuda ở 4 góc, mặt trước chạm 4 ổ rồng cuộn. Trên bệ có nhiều hoa văn đặc thù của thời Trần với dòng chữ ghi việc cúng ruộng tiền năm Đại Trị 3 (1360) và dựng bệ năm Đại Định 2 (1370).

Chùa Hương Trai. Photo NCCong ©2021

Trang trí trên gỗ cũng phong phú và đa dạng. Tại thiêu hương, trụ trốn có chạm hoa to và hình người, ván lá đề chạm rồng, cốn chạm hươu nằm hoặc vân xoắn to, trên câu đầu và cột gắn các tượng tiên nữ cao khoảng 40cm. Tại thượng điện có 4 tượng như thế, 4 đầu dư đều có dấu vết sửa chữa nhưng vẫn mang phong cách thời Mạc.

Kiến trúc

Chùa Hương Trai nằm ngay dưới chân con đê Tả sông Đáy, cạnh đình Dương Liễu. Các bậc gạch đưa khách từ đê xuống nghi môn gồm 2 trụ biểu đắp câu đối chữ Hán rồi dẫn đến một tam quan ngoại gồm 2 tầng 8 mái với những đầu đao cong vút. Sau tam quan ngoại là lối đi dài phía bên phải bờ ao Thiên để vào chùa chính.

Tượng Tam thế Phật trong chùa Hương Trai. Photo NCCong ©2021

Mặt bằng chùa chính có hình “chữ Công”, với 2 dãy tả hữu vu ở hai bên sân trước. Toà tiền đường 7 gian hai chái, nhìn qua cây hương cao về phía tây bắc, các bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường, kẻ chuyền” dựa trên 4 hàng cột lim kê trên các chân đá. Toà thiêu hương chạy dọc, bộ vì ngoài được làm theo kiểu “chồng rường” gắn với tiền đường, 2 bộ vì trong được làm theo kiểu “giá chiêng” phổ biến vào thời Mạc. Toà thượng điện gồm 1 gian 2 chái, hai bộ vì giống như ở thiêu hương, trên các cột lớn đỡ câu đầu qua đấu vuông thót đáy, xung quanh bưng ván đố lụa không trang trí.

Năm 1964, chùa Hương Trai đã được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Bệ sen thời Trần trong chùa Hương Trai. Photo NCCong ©2021

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2021, Huong Trai pagoda