790 Tang Non pagoda
Chùa Tăng Non (Chân Linh Tự)
Chùa Tăng Non có từ thời Lê Trung hưng. Tên chữ: Chân Linh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: 4J89+4M7, xã Thanh Đa, H. Phúc Thọ, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 30km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Thôn Ngoại - QL32 (xe 20b, 20c, 70a, 70b, 92), Số 5 Đường 417 (xe 67, CNG06)
Địa lý
Thanh Đa là một xã thuần nông được thành lập năm 1955 trên vùng đất bãi nằm ở phía cuối huyện Phúc Thọ, nơi sông Đáy trước kia thông với sông Hồng. Địa giới phía đông giáp xã Phương Đình (huyện Đan Phượng), phía tây giáp xã Ngọc Tảo, phía bắc giáp xã Hát Môn, phía nam giáp xã Tam Thuấn. Xã có diện tích tự nhiên 445 ha. Năm 1999, dân số là 5.908 nhân khẩu với 1.710 hộ sinh sống trong 7 thôn gồm: Đường Hồng, Phú An, Phú Đa, Tế Giáp, Thanh Mạc, Thanh Vân và Tăng Non, cách đường quốc lộ QL32 khoảng 4 km. Mã hành chính là 09757.
- Trong tiền đường chùa Tăng Non. Photo ©NCCong 2021
Lược sử
Chùa Tăng Non hiện nằm cạnh ngôi đình làng, cách trường THCS Thanh Đa gần 200m. Chùa có tên chữ là Chân Linh Tự và được lập từ thời Hậu Lê, khoảng thế kỷ XVII. Vào thế kỷ XVIII, chùa đã có một cuộc trùng tu lớn và được làm thêm một số pho tượng mới như: bộ Tam thế Phật, A Di Đà và Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Đến đầu thế kỷ XIX, chùa lại được tôn tạo và cho treo một quả chuông đồng, mang tên là “Chân Linh Tự Chung”. Từ đó chùa tiếp tục trải qua vài cuộc trùng tu và dự kiến cuối năm 2021 sẽ hạ giải để xây to hơn. Quy mô hiện nay của chùa khá khiêm tốn, mặc dù khuôn viên không nhỏ.
Năm 1991 chùa Chân Linh Tự [và đình Tăng Non] đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Trong chùa Tăng Non. Photo ©NCCong 2021
Kiến trúc và di vật
Ban đầu chùa có đầy đủ tam quan, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách và vườn tháp mộ. Từ cuối thế kỷ XX, chủ yếu chỉ còn toà tiền đường và thượng điện. Du khách đi qua đường làng vào nghi môn rồi theo ngõ rộng chung với đình Tăng Non đến thẳng chiếc cổng nhỏ ở bên hông Tam bảo và rẽ trái là thấy toàn cảnh chùa từ sân tiền đường.
Toà tiền đường gồm 3 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mặt quay chênh chếch về hướng tây bắc. Các gian bên hồi bài trí bệ thờ 2 bộ tượng Đức Ông, Thánh Hiền. Các mái lợp ngói ri đè nặng trên những hàng cột khá thấp và một số phải gia cố. Các cấu kiện gỗ khác cũng nhỏ và bị xuống cấp trầm trọng. Toà thượng điện kết nối với gian giữa tiền đường theo kiến trúc hình chuôi vồ. Các bệ gạch được xây giật cấp để đặt những pho tượng Phật.
- Bia và chuông chùa Tăng Non. Photo ©NCCong 2021
Trong chùa hiện lưu giữ một hệ thống khá đầy đủ gồm 35 pho tượng Phật giáo Bắc tông. Phần lớn trong số đó được tạo tác dưới thời Nguyễn, riêng có 8 pho tượng cổ hơn mang niên đại thời Hậu Lê.
Di tích lân cận
- Chùa Bảo Lâm: xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ.
- Đền Hát Môn: xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ.
- Đình Hạ Hiệp: xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ.
- Đình Ngọc Tảo: xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ.
- Đình Tăng Non: xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ.
- Đình Thuấn Nhuế Nội: xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ.
©NCCông 2019-2021, Tang Non pagoda