8 Combs’ street

Phố Hàng Lược

quận Hoàn Kiếmthời Lê sơsông Tô Lịch

Phố Hàng Lược dài 264m, từ cầu xe lửa Hàng Cót xuống Hàng Mã, qua các ngã ba Hàng Khoai, Hàng Rươi, rồi đến phố Chả Cá. Nay thuộc: phường Hàng Mã, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 750 m (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: 22c Hàng Lược (xe 31), 50 Hàng Cót (01, 36, 36ct), Đd 16 Phùng Hưng (01, 18, 23, 36, 36ct).

Giới thiệu

Đầu phố Hàng Lược giáp ba phố Hàng Cót, Phùng Hưng, Gậm Cầu ở dưới cầu xe lửa. Từ chỗ đó phố đi về phía đông nam và cắt qua các phố Hàng Khoai, Hàng Rươi rồi kết thúc tại ngã năm giáp các phố Hàng Mã, Chả Cá, Thuốc Bắc. Đoạn cuối phố cũng chính là nơi hằng năm vẫn tổ chức chợ hoa Tết rất thân thương với những người dân Hà Nội.

Phố Hàng Lược nằm trên địa phận xưa kia là của thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, thuộc tổng Hậu Phúc, huyện Thọ Xương cũ. Từ thời Lê cho đến thời Nguyễn, nơi đây tập trung nhiều nhà sản xuất và buôn bán các loại lược gỗ, lược sừng, lược ngà, do đó mà hình thành tên phố.

Đầu phố Hàng Lược. Photo ©NCCong 2015

Trên phố hiện nay vẫn còn di tích đình-đền Phủ Từ ở số nhà 19 và đình-đền-chùa Vĩnh Trù ở số nhà 59, bên trong đều có thờ "Tứ vị Hồng Nương". Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp sau khi chiếm Hà Nội đã cho lấp đoạn đầu sông Tô Lịch và phá thành cổ để xây khu phố Tây, đồng thời mở rộng các con phố ta ở quanh thành cổ, trong đó có phố Hàng Lược.

Dòng sông Tô Lịch xưa kia từ chỗ cửa sông thông với sông Hồng (Chợ Gạo bây giờ) ngược về hướng tây, qua Ngõ Gạch tới phố Hàng Cá thì quặt lên phía tây bắc đến sát tường thành Hà Nội, làm thành con hào nước bảo vệ. Hồi đó người dân bên phố Hàng Đồng cũ muốn sang chợ Cầu Đông phải đi qua một chiếc cầu tre. Về sau khúc sông này bị lấp, cầu được thay thế bằng một chiếc cống lớn từng được gọi là Cống Chéo Hàng Lược.

Cổng đền Phủ Từ. Ảnh ©NCCong 2015

Những kiều dân theo đạo Hồi đã cho xây từ năm 1890 tại gần chỗ quặt của sông cũ một ngôi đền, tên tiếng Pháp là Mosquée Al Nour. Đền này hiện nay ở số 12 Hàng Lược, bưu ảnh Pháp năm 1919 ghi là “chùa Ấn Độ”, dân ta hồi đó lại quen gọi “chùa Tây Đen”. Khi chợ Đồng Xuân được mở rộng và gộp các chợ nhỏ gần đó về một nơi, nhiều người dân tìm đến làm ăn quanh chợ, dần dần các phố Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Mã trở nên sầm uất.

Phố Hàng Lược chạy dọc theo bờ khúc sông Tô Lịch cũ ở phía đông thành Hà Nội, vì thế mà chính quyền thời Pháp thuộc đổi tên là Rue de Rivière To Lich (phố “Sông Tô Lịch”). Nhiều cửa hiệu ở đây về sau chuyển sang kinh doanh dịch vụ hiếu hỷ, chỉ còn vài nhà buôn bán lược. Từ năm 1945, tên cũ Hàng Lược lại được thị trưởng Trần Văn Lai trả về cho phố.

Hàng Lược - Hàng Mã. Photo ©NCCong 2015

Chợ hoa Hàng Lược

Từ năm 1912 đến nay (chỉ trừ những năm 1947-1948 do khu phố bị tàn phá khi quân Pháp tái xâm lược Hà Nội) phố Hàng Lược trở thành địa điểm họp chợ hoa Tết hàng năm của Hà thành. Tên là chợ hoa Hàng Lược nhưng từ lâu chợ đã mở rộng sang các phố Hàng Chai, Hàng Rươi, Hàng Mã, Hàng Đồng.

Kể từ ngày 23 tháng Chạp tiễn Táo quân lên trời, chợ hoa họp liền một tuần cho tới tận tối tất niên. Dọc theo hè phố và cả trên lòng đường tại đây tràn ngập đào và quất, rồi đến mai, lan, đỗ quyên, xương rồng, hải đường và nhiều loại hoa khác. Người mua có thể tìm thấy những lẵng hoa lụa, hoa giấy, hoa thủy tinh đủ loại đủ màu ở quãng đầu phố Hàng Rươi.

Chơ hoa Hàng Lược trước đền Phủ Từ. Ảnh ©NCCong 2023

Chen giữa hoa và cây cảnh là các gian hàng bày những bưởi hồ lô, dưa hấu, phật thủ... cùng các đồ trang trí ngày lễ và phong bao lì xì đỏ chót. Ngoài ra, chợ còn bày bán cả cá cảnh, đèn lồng, đồ đồng, đồ thờ, đồ giả cổ, chủ yếu ở phía đầu phố Chả Cá và Hàng Mã.

Panorama

Tam quan chùa Vĩnh Trù. Photo ©NCCong 2023

Di tích lân cận

8 Phố Hàng Lược (Combs’ street) ©NCCông 2011-2020