804 Cu community hall
Đình làng Cù
h.Quốc Oaisông ĐáyTiền LýĐình làng Cù tức đình Cù Sơn Trung có từ đầu thời Lê Trung Hưng. Thờ: Thành hoàng Lý Phục Man. Xếp hạng: di tích quốc gia (1993). Vị trí: 2M46+GQ, xã Yên Sơn, H. Quốc Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 22km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Điểm Đỗ Xe Buýt Yên Sơn (xe CNG01), Chùa Sơn Trung - đại lộ Thăng Long (74, 87, 88, 107).
Lược sử
Làng Cù là tên Nôm cổ của thôn Cù Sơn Trung; thời Lê thuộc tổng Hoàng Xá, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam Thượng (thời Nguyễn đổi thành tỉnh Sơn Tây). Ngày nay, làng Cù thuộc xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Làng ở ngay phía bắc đại lộ Thăng Long, phía đông giáp với một khúc sông Đáy được gọi là Cù Giang. Theo bài văn bia còn bản dập lưu tại Thư viện Hán Nôm thì nơi đây từng có bến đò Cù Sơn được mở vào năm Thống Nguyên tứ niên (1525).
- Sân đình Cù. Photo ©NCCong 2021
Thành hoàng làng Cù là danh tướng Lý Phục Man [1]. Ngài đã hy sinh anh dũng tại trận tiền trong cuộc chiến bảo vệ nhà nước Vạn Xuân khi giặc Lương lại sang xâm lược. Theo thần tích, thi hài của Ngài được chuyển từ bến đò Cù Sơn về quê hương Kẻ Sở và dân làng Cù đã lập miếu thờ ở gần bến, về sau xây thành đình. Có thể nói hiện nay, Lý Phục Man là một trong những vị nhân thần được thờ phụng nhiều nhất ở vùng ven sông Đáy.
Tương truyền đình làng Cù có từ thời Lê Trung Hưng và trùng tu vào thời Tây Sơn. Đến thời Nguyễn, đình được xây lại với 3 toà đại bái, trung cung và hậu cung nằm song song thành hình “chữ Tam”. Năm 1948 toà đại bái bị phá nên hiện nay dù được xây lại nhưng toà trung cung mới trở thành điểm nhấn của di tích. Trong cung cấm vẫn còn giữ được 12 đạo sắc phong thần mà các triều đại phong kiến của nước ta từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn đã ban tặng cho đức thành hoàng làng.
Năm 1992, ngôi đình đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Trung cung đình Cù. Photo ©NCCong 2021
Kiến trúc và trang trí
Đình làng Cù nhìn về hướng tây ra một ao sen hình vuông. Cổng xây kiểu nghi môn với các trụ biểu và cửa bên giáp với đường làng ở phía bắc đình. Xung quanh sân có các cổ thụ, phía nam là hồ nước với thuỷ đình ở giữa và cây cầu nối vào bờ. Toà đại bái bị phá năm 1948 nay được chuyển đổi thành toà tiền tế, không có tường vây trừ bốn góc dưới mái đao cong. Bên hông tiền tế là hai dãy tả hữu mạc, xây kiểu tường hồi bít đốc, bên trong trang trí đơn giản.
Cách một khoảng sân nhỏ sau toà tiền tế là toà trung cung 3 gian 2 dĩ khá nguyên vẹn, hai bên có tường nối với đầu hồi hai dãy nhà ngang và thông bằng cửa phụ. Bờ nóc gắn các hình linh thú sinh động. Bộ mái trung cung dựa trên các cột đá xanh gồm hai loại vuông và tròn, chu vi 1,2m và cao khoảng 4,5m. Những cột đá vuông được chạm khắc tinh xảo các hình hoa lá và tứ linh với phong cách nghệ thuật thời Nguyễn là đặc trưng đáng lưu ý ở đình làng Cù.
- Mái đình Cù. Photo ©NCCong 2021
Trên 4 bức cốn ở gian giữa toà trung cung chạm hình rồng, phượng, long mã, rùa và các đề tài dân gian như: long vân hội, cá hoá rồng... Sau cùng là một bức cốn chạm hình phượng hoàng giang cánh trên nền mây nước mênh mang với một chú rùa khoác lá sen bơi tung tăng. Những mảng trang trí này chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Lê.
Toà hậu cung 3 gian dài 8,35m, rộng 5m, gồm 12 cột gỗ và 4 cột đá vuông. Cửa võng có chạm lộng công phu các hình hoa lá và tứ linh. Ban thờ làm bằng gỗ, thiết đặt long ngai, bài vị và hòm đựng mũ áo thành hoàng, chủ yếu được tạo tác theo phong cách nghệ thuật thời Tây Sơn.
- Hậu cung đình Cù. Photo ©NCCong 2021
Di tích lân cận
- Chùa Hưng Long
- Chùa Thầy
- Chùa Thích Ca
- Đình Phương Quan
- Đình Phương Viên
- Đình Phượng Cách
- Đình Tiền Lệ
©NCCông 2011-2021, Cu community hall
[1] Theo thần tích, Ngài sinh ra tại làng Kẻ Sở. Lớn lên đi theo Lý Bí khởi nghĩa, dựng nên nhà nước Vạn Xuân, được phong chức Đại tướng quân và giao trấn giữ một vùng từ Đỗ Động đến Đường Lâm. Mùa xuân năm 543, Ngài dẫn binh sĩ đến vùng Cửu Đức đánh tan quân địch, được Lý Nam Đế gả công chúa và ban cho họ tên Lý Phục Man, thăng chức Thiếu úy Tham Nghị. Đến đầu năm 545 giặc Lương lại kéo quân sang xâm lược, Ngài chỉ huy trận tuyến phòng ngự và anh dũng hy sinh tại chiến trường. Sau đó, rất nhiều nơi ven sông Đáy, sông Tô Lịch và sông Nhuệ đã tôn thờ Ngài làm thành hoàng làng.