805 Phuong Cach village hall
Đình Phượng Cách
h.Quốc OaiTiền Lýsông ĐáyĐình Phượng Cách có từ năm 1706. Thờ thành hoàng: Lý Phục Man. Hội làng: 10 tháng 2 âm lịch. Xếp hạng: di tích quốc gia (1992). Vị trí: 2M65+F96, xã Phượng Cách, H. Quốc Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 23km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Đối Diện Đại Lý Mạnh Cường - Đê Hữu Đáy (xe CNG01), Chùa Sơn Trung - đại lộ Thăng Long (74, 87, 88, 107).
Lược sử
Làng Phượng Cách có tên Nôm xưa là Kẻ Gồ, còn gọi là Gồ Cách. Thời Lê đổi là xã Ô Cách, thuộc về tổng Hoàng Xá, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1867 vua Tự Đức nhà Nguyễn đổi tên thành Phượng Cách, thuộc tỉnh Sơn Tây. Nay thuộc huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Địa giới phía bắc giáp xã Sài Sơn, phía nam và tây nam giáp xã Yên Sơn, phía tây giáp xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất, phía đông giáp xã Yên Sở - huyện Hoài Đức - với Cù Giang là một khúc sông Đáy chia ranh giới.
- Phía trước đình Phượng Cách. Ảnh ©NCCong 2021
Phía đông bắc làng có 3 ngọn núi: Lân Sơn, Tượng Sơn, Phượng Hoàng. Đại học QG Hà Nội đã khai quật ở chân núi Phượng Hoàng từ những năm 1960 và phát hiện dấu tích mộ táng Đông Sơn, đặt tên địa điểm khảo cổ học Phượng Cách. Người cổ từng đến đây và để lại các mảnh gốm giai đoạn Phùng Nguyên từ 4000 năm trước. Trên núi Lân Sơn lại có một ngôi chùa cổ, tên chữ Báo Ứng Tự, đến cuối thế kỷ XIX đã chuyển về bãi sông Cù, trong chùa vẫn còn 35 pho tượng thời Lê. Ngoài trồng lúa, người Phượng Cách xưa kia còn trồng dâu nuôi tằm. Làng có lễ hội “hạ điền tang” vào đám ngày mồng 3 tháng Một âm lịch để tưởng nhớ công ơn của Bà Tổ nghề gọi là Tây Năng.
Căn cứ vào các tư liệu hiện còn, đình làng Phượng Cách được xây năm Bính Tuất Vĩnh Thịnh nhị niên (1706). Theo nội dung bài văn trên tấm bia “Sự tích bi ký” dựng năm Mậu Thân niên hiệu Bảo Thái (1728), đình thờ thành hoàng là Lý Phục Man [1] và hai vị phu nhân của Ngài. Các triều đại phong kiến của nước ta đã ban tặng Lý Phục Man nhiều đạo sắc phong thần và mỹ tự. Để tưởng nhớ công ơn Ngài, nhân dân Phượng Cách tổ chức lễ hội vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm tại đình làng với các trò chơi vui như đu dây, bắt vịt.... Riêng đại lễ hội thì được tổ chức 5 năm một lần. Năm 1992, ngôi đình đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Toà đại bái đình Phượng Cách. Ảnh ©NCCong 2021
Kiến trúc và di vật
Đình Phượng Cách nằm giữa làng, mặt nhìn về phía tây qua cổng và bình phong ra một ao sen, xung quanh có tường bao. Đình đã được trùng tu nhiều lần, hiện nay chủ yếu mang dáng vẻ thời Nguyễn với vài di vật thời Lê trung hưng. Cổng đình xây kiểu nghi môn với các trụ biểu và mở ra đường làng. Sau cổng là sân rộng, hai bên có hai dãy tả, hữu mạc 5 gian, ở giữa là hai cột đá trắng cao 4,4m và dựng năm Cảnh Hưng tứ niên (1745). Đá được xẻ vuông vức, nghe nói lấy từ núi Lân Sơn cách di tích gần 2km. Hai trụ nối với một đế bên dưới bằng mộng đá, thân trụ chạm nổi câu đối chữ Hán, đỉnh gắn tượng nghê.
Cuối sân là toà đại bái 5 gian dài 22m, rộng 7,6m, trước cửa có 2 bệ đá xanh khắc hoạ hình đầu cá sấu và “Vân hoá long”. Trong hai gian hồi (và nhà hữu mạc) có nhiều bia đá. Cốn mê ở gian hồi bên tả rất nổi tiếng với bức chạm khắc hì̀nh một người đang đưa hộp hài cốt vào miệng con rồng. Màn giếng treo ở trên gian giữa là một bức trần gỗ vẽ hình tứ linh vây quanh mặt trời, có lẽ được tạo tác vào thời cuối Lê đầu Nguyễn.
- Sân hậu cung đình Phượng Cách. Ảnh ©NCCong 2021
Đại bái và hậu cung xếp thành hình “chữ Nhị”, cách nhau một sân lọng nhỏ, giữa sân có 4 cột đá xanh cao 2,3m. Toà hậu cung 5 gian dựng năm 1706. Gian chính giữa đặt khám thờ, trong khám bài trí long ngai bài vị thờ Lý Phục Man và hai phu nhân. Phía trước bày tế khí, 02 hàng gươm trường, bát bửu, đồ gốm sứ, 02 ngựa gỗ, 03 cỗ kiệu bát cống. Bức cuốn thư do đại doanh nhân Nguyễn Sơn Hà là người làng cung tiến năm 1936 được treo cao giữa nhiều hoành phi, câu đối.
Chú thích
[1] Theo thần tích, Ngài sinh ra tại làng Kẻ Sở. Lớn lên đi theo Lý Bí khởi nghĩa, dựng nên nhà nước Vạn Xuân, được phong chức Đại tướng quân và giao trấn giữ một vùng từ Đỗ Động đến Đường Lâm. Mùa xuân năm 543, Ngài dẫn binh sĩ đến vùng Cửu Đức đánh tan quân địch, được Lý Nam Đế gả công chúa và ban cho họ tên Lý Phục Man, thăng chức Thiếu úy Tham Nghị. Đến đầu năm 545 giặc Lương lại kéo quân sang xâm lược, Ngài chỉ huy trận tuyến phòng ngự và anh dũng hy sinh tại chiến trường. Sau đó, rất nhiều nơi ven sông Đáy, sông Tô Lịch và sông Nhuệ đã tôn thờ Ngài làm thành hoàng làng.
- Chính điện đình Phượng Cách. Ảnh ©NCCong 2021
Di tích lân cận
- Chùa Hưng Long
- Chùa Thầy
- Chùa Thích Ca
- Đình Cù
- Đình Đào Nguyên
- Đình Phương Quan
- Đình Phương Viên
- Đình Tiền Lệ
©NCCông 2011-2021, Phuong Cach village hall