818 Phuc Trach community hall

Đình Phúc Trạch

h.Phúc Thọsông Hồnghuyền sử

Đình Phúc Trạch có từ thế kỷ XIX. Thờ: 2 vị thần Thổ lệnh và Thạch Hương. Xếp hạng: Di tích tỉnh Hà Tây cũ (2006). Vị trí: thôn Phúc Trạch, 4GRX+MP6, Võng Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 38 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: Trường Mầm Non Võng Xuyên.

Địa lý

Võng Xuyên là một xã nông nghiệp lâu đời, mạn bắc ở mé trong đê Hữu sông Hồng, nay thuộc huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Xã nằm về phía tây trung tâm thủ đô, cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 40 km. Theo số liệu thống kê năm 1999, xã có diện tích 7,5 km² với 14.192 người dân, mật độ dân số đạt 1.892 người/km².

Ngày nay, phía đông xã Võng Xuyên giáp 2 xã Long Xuyên và Xuân Phú, có tuyến xe bus 20b chạy qua rất thuận tiện. Phía tây giáp 2 xã Sen Chiểu và Thọ Lộc. Phía nam giáp thị trấn Phúc Thọ, nơi có đường quốc lộ QL32 với nhiều tuyến xe bus giao nhau. Phía bắc giáp 2 xã Cẩm Đình và Phương Độ (đều thuộc huyện Phúc Thọ). Xã Võng Xuyên bao gồm các làng cổ: Phúc Trạch, Võng Ngoại, Lục Xuân, Nghĩa Lộ và Bảo Lộc, làng nào cũng có di tích đình, chùa, đền, miếu hoặc nhà thờ đạo Thiên Chúa.

Bên hông đình Phúc Trạch ©NCCong 2021

Lược sử

Thôn Phúc Trạch nằm ở phía bắc xã Võng Xuyên, giáp đê Hữu sông Hồng. Đình làng được lập từ thế kỷ XIX dưới thời nhà Nguyễn. Trong cung cấm có thờ bài vị thần Thổ Lệnh và Thạch Hương làm thành hoàng làng. Bản thần phả còn lưu tại đình cho biết hai vị rất thiêng, mỗi khi có biến loạn dân làng đến mật cáo đều được hiển linh phù hộ.

Năm 1964 toà đại bái của đình từng bị dỡ làm sân kho cho Hợp tác xã nông nghiệp, đến năm 1989 mới được xây lại với quy mô nhỏ. Từ lần trùng tu toàn bộ ngôi đình vào năm 2007 và sau đó, tuy ngôi đình vẫn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn nhưng kiến trúc thì đơn giản hơn xưa kia, đặc biệt là tại toà tiền tế.

Tại Quyết định số 1979-QĐ/UBUB ngày 14 tháng 11 năm 2006, ngôi đình Phúc Trạch được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Cổng đình Phúc Trạch ©NCCong 2021

Kiến trúc

Đi theo đường làng Phúc Trạch, du khách sẽ thấy trên sân trước cổng đình có hai cổ thụ đứng ven bờ ao, xa hơn là cánh đồng đang có nguy cơ bị đô thị hoá. Đình nằm trên thế đất cao, mặt nhìn qua sân trước về rặng núi Ba Vì ở phía tây nam. Trong khuôn viên không còn cây to, xung quanh có tường bao, ngay sau đình là chùa làng, cùng chung cổng với nhau.

Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ với các trụ biểu có đắp câu đối chữ Hán. Sau cổng là một sân gạch nhỏ, ở bên tay trái nay chỉ còn một dãy nhà giải vũ 3 gian. Toà tiền tế rộng 3 gian 2 chái với 4 mái đao cong, bờ nóc có đắp các hình linh thú. Mặt bằng xây dựng bố trí theo truyền thống với hậu cung 3 gian dọc được kết nối vào gian giữa tiền tế thành hình “chữ Đinh”.

Tiền tế đình Phúc Trạch ©NCCong 2021

Bốn bộ vì hậu cung được làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ rường nách, bẩy” và dựa trên 4 hàng cột. Các đầu con rường được trang trí hoa văn lá lật và mây cụm. Chính điện có bộ cửa võng chạm trổ công phu với các đề tài lưỡng long triều nguyệt, rồng cuốn thuỷ, hoa văn chữ triện. Phía trên cửa võng có treo bức hoành phi đề 3 chữ Hán “Sinh Trạch Dân”. Hai gian sau có gác lửng, cuốn vòm bưng kín và sơn màu điều thâm nghiêm, là nơi thờ nhị vị thành hoàng làng.

Di sản

Trong đình làng Phúc Trạch vẫn còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật quý giá như: 01 giá gươm, 02 hòm gỗ với 09 đạo sắc phong, 03 mâm bồng và 02 cỗ long ngai bài vị có mang niên đại thời Nguyễn.

Chùa làng Phúc Trạch ©NCCong 2021

Lễ hội đình làng được nhân dân Phúc Trạch tổ chức hằng năm từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch. Tuy vậy theo định kỳ thì 3 năm làng mới mở hội lớn, có đám rước kiệu, sắm lễ quả và giao lưu văn hoá với làng Phúc Lộc cùng huyện vốn kết chạ với nhau. Nhân dịp lễ còn diễn ra các trò chơi dân gian theo truyền thống như: bắt vịt, thổi cơm thi, kéo co, đu quay... ở ngay tại sân và ao trước cổng đình.

Di tích lân cận

818, dinh Phuc Trach ©NCCông 2019-2021