819 Tu Duong pagoda

Chùa Tử Dương (Long Khánh Tự)

huyện Ứng Hoàthời Lê trung hưngsông Đáy

Chùa thôn Tử Dương còn gọi chùa Tía, được dựng vào thế kỷ XVIII, thời Lê Trung hưng. Tên chữ: Long Khánh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: QP9J+X37, thôn Tử Dương, xã Cao Thành, H. Ứng Hòa, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 44km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Đd Nhà Thờ Xóm Cát Xã Cao Thành - Tỉnh Lộ 429B (xe 102).

Lược sử

Thôn Tử Dương có tên Nôm là làng Tía, theo truyền thuyết làng được thành lập từ thời vua Hùng trị vì nước Văn Lang. Căn cứ vào ngọc phả còn lưu giữ trong đình thì thành hoàng làng có mỹ tự là “Đại Long Quốc Vương”. Ngài là vị hoàng tử thứ ba trong số một trăm người con của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ.

Cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn, làng Tía từng được gọi là xã Tử Dương, thuộc tổng Sơn Lãng, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam. Sang thế kỷ XX, nơi đây vẫn là xã Tử Dương, tổng Sơn Lãng nhưng thuộc về huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Ngày nay là thôn Tử Dương, thuộc xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Nhân dân trong làng sinh sống ở 13 khu vực ngõ xóm; chủ yếu thuộc về 11 dòng họ, một bộ phận trong đó theo đạo Thiên Chúa, còn đại đa số theo đạo Phật.

Chùa Tử Dương: tam quan. Ảnh ©NCCong 2021

Chùa nằm ngay sau lưng đình làng, cách đê sông Đáy về phía tây 400m, và cách Nhà thờ Tử Dương chỉ gần 300m. Chùa được dựng vào thế kỷ XVIII dưới thời Lê Trung hưng, tên chữ Long Khánh Tự, dân thường gọi là chùa Tía.

Năm 1992, ngôi chùa (và đình làng) Tử Dương đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chùa Tử Dương được trùng tu lớn vào cuối thập niên 2010, hiện nay mặt quay vào lưng hậu cung đình làng ở hướng đông nam. Phía tây sân chùa là một phương đình 2 tầng 8 mái nhìn ra cái giếng to và con đường dẫn lên đê. Toà tiền đường rộng 7 gian được nối với toà thượng điện 3 gian thông qua toà thiêu hương 2 gian, tạo thành hình “chữ Công”.

Chùa Tử Dương: giếng. Ảnh ©NCCong 2021

Tiền đường xây tường hồi bít đốc, trên mái có đắp hình rồng ngậm hai đầu bờ nóc. Thiêu hương xây 2 tầng 8 mái đao cong, nhô cao hơn 2 toà kia. Thượng điện cũng có bộ vì kiểu chồng diêm, kẻ chuyền, bào trơn đóng bén thiên về bền chắc như tiền đường. Bên cạnh tam bảo còn có nhà Tổ và nhà khách.

Di vật

Trong chùa vẫn bảo tồn được một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông với đầy đủ 42 pho tượng tròn. Một số pho có giá trị nghệ thuật điêu khắc cao như: tượng Thích Ca nhập Niết bàn nằm nghiêng, tượng A di đà có phong cách của thế kỷ XVIII, hai pho Tuyết Sơn, Ngọc Hoàng được tạo tác vào thế kỷ XIX.

Chùa Tử Dương: chính điện. Ảnh ©NCCong 2021

Ngoài tượng còn có 01 bát hương đá, 01 nhang án mang niên đại Cảnh Hưng 22 (1761) triều vua Lê Hiển Tông, các ô trang trí được chạm bong kênh với nhiều đề tài phong phú. Đặc biệt, quả chuông đồng với hai phần thân và quai được đúc vào thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh 2 (1794) bằng khuôn hai mang; thân chuông mang nhiều hoa văn và bài minh chữ Hán ca ngợi cảnh chùa.

Di tích lân cận

819 Tu Duong pagoda ©NCCông 2019-2021