839 Soc Xuan La temple

Đền Sóc Xuân La

q.Tây HồThánh Giónghồ đầm

Đền Sóc Xuân La có từ thời Lý. Thờ: Sóc Thiên Vương. Lễ hội: ngày 7 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: số 34 ngách 38/58 Xuân La, 3R84+XG, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 7,3km (hướng 11h). Trạm bus lân cận: Trường Tiểu Học Xuân La, hoặc Đối Diện BV Tim Hà Nội Cơ Sở 2.

Giới thiệu

Đền có từ thời Lý, nằm trên địa phận hương Minh Tảo. Thời Lê tên là xã Minh Cảo, thuộc huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây. Thời Nguyễn trở thành xã Xuân Tảo và cắt về tỉnh Hà Nội mới thành lập. Năm 1961 đổi tên là xã Xuân Đỉnh. Từ năm 1995 thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ. Đây là một vùng đất cổ của Thăng Long, ngoài đền Sóc và đền Quán La còn có các ngôi chùa nổi tiếng như Khai Nguyên, Thiên Niên, Vạn Niên, Ức Niên.

Phường Xuân La có diện tích 2,18 km², dân số năm 2022 là 28.972 người, mật độ dân số đạt 13.290 người/km², giao thông đường bộ rất thuận tiện. Cho đến thời Lý, từng có dòng sông Thiên Phù chảy qua đây ngược về phía bắc để thông ra sông Hồng ở bến Nhật Tân, phía nam nối với sông Tô Lịch ở vùng Kẻ Bưởi. Về sau sông Thiên Phù bị cát bồi lấp hoàn toàn.

Cổng đền Sóc Xuân La. Photo ©NCCông 2022

Các sách cổ như Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chính Quái và Đại Nam Nhất Thống Chí đều có nói về di tích ngôi đền thờ Sóc Thiên vương gần hồ Tây. Thời Lý việc tế ở đó được coi là quốc lễ, vua quan hằng năm cứ ngày mồng 7 tháng giêng lại đến đền cúng tế, cầu cho quốc thái dân an. Mỗi lần như thế đều là một dịp lễ hội lớn của nhân dân vùng tây bắc hoàng thành.

Tương truyền, Sóc Thiên vương sau khi thắng giặc đã đến làng Cáo nghỉ và ăn nốt mo cơm với cà. Ngài để quên roi sắt tại đây, phi ngựa tới làng rèn Kẻ Sọ (Phù Lỗ), ra giếng gội đầu và ngủ một giấc. Tỉnh dậy ngài phóng lên đỉnh Sóc Sơn, cởi giáp sắt vắt lên cây trầm, rồi cả người lẫn ngựa bay về trời. Đời sau nhân dân đã lập rất nhiều đền thờ ngài ở quê hương và những nơi ngựa sắt dừng chân.

Thăm đền Sóc Xuân La. Photo ©NCCông 2022

Kiến trúc

Ngôi đền Sóc Xuân La đã được sửa chữa nhiều lần nhưng khuôn viên nay bị thu hẹp do đô thị hoá, lối vào trở thành con ngõ 34 Xuân La. Đối diện ngõ này có một tam quan dẫn tới cây cầu bắc ra toà phương đình kiểu 2 tầng 8 mái xây trên hồ bán nguyệt, gọi là mộc dục vì tương truyền Thánh đã tắm ở đây. Còn ở phía tây nam bên kia bờ hồ là đình làng.

Cổng đền ở phía đông bắc hồ, cách hồ hơn 100m, xây kiểu nghi môn tứ trụ, phía trước có bức bình phong. Tiếp theo là sân dài nằm giữa hai dãy tả hữu mạc và các cây to. Sau lần đại trùng tu năm 2005, dáng vẻ ngày nay mang phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn. Toà tiền tế là một phương đình khác ở trước toà đại bái rộng 3 gian 2 dĩ. Toà hậu cung kết nối với gian giữa đại bái thành hình “chữ Đinh”, xung quanh là các dãy nhà dọc và khu phụ.

Sân đền Sóc Xuân La. Photo ©NCCông 2022

Di sản

Trong đền hiện lưu giữ được một số đồ thờ như cỗ kiệu long đình, long ngai, hương án sơn son thếp vàng. Đặc biệt có pho tượng Phù Đổng Thiên vương cao 456cm, tạo tác vào cuối thế kỷ XVIII và tấm bia đá khắc năm Chính Hòa 7 (1682) ghi việc Chiêu nghi của chúa Trịnh Tạc là bà Vũ Thị Ngọc Xuyến cùng con gái Trịnh Thị Ngọc Cang cung tiến cho đền. Ngoài ra còn có các cổ vật khác và một cái roi sắt dài được cho là vũ khí của Sóc Thiên vương. Bên cạnh những tảng đá chạm hoa sen từ thế kỷ XVII, đường kính 105 cm, dùng để kê chân cột, trên các bức cốn còn có nhiều mảng chạm khắc tinh tế với đề tài tứ linh, tứ quý…

Ngày nay chính quyền phường Xuân La ̣và nhân dân của 4 thôn cũ (Quán La Xã, Quán La Sở, Xuân Tảo Sở, Vệ Hồ) vẫn giữ lệ tổ chức lễ hội đền Sóc Thiên Vương để tưởng niệm công lao của Đức Thánh.

Trong đền Sóc Xuân La. Photo ©NCCông 2022

Ngày 15-11-1991, đền Sóc Xuân La được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

839 den Soc Xuan La ©NCCông 2017-2022