841 An Hoa community hall

Đình An Hoà

q.Cầu Giấynhà Lýsông Tô Lịch

Đình An Hoà có từ thời Lê. Thờ: Đương cảnh Thành hoàng và 2 vị vua Lý Thần Tông, Lê Hiển Tông. Lễ hội: từ 10-12 tháng Hai âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: ngõ 445 Nguyễn Khang, 2QCW+JG, Cầu Giấy, Hà Nội, Vietnam. Cách Ga Hà Nội: 5,5km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Đối Diện Phòng Đào Tạo Giáo Dục Quận Cầu Giấy - Nguyễn Khang (xe 105)

Lược sử

Ngược về thời Lý, ven hai bờ sông Tô Lịch xung quanh Cầu Giấy ở phía tây nam kinh thành Thăng Long đã có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Láng, chùa Nền, chùa An Hoà... Nhiều vương công đã xây phủ đệ của mình ở đây như Diên Thành Hầu và Sùng Hiền Hầu. Theo truyền thuyết, con trai của ngài Sùng Hiền Hầu chính là thiền sư Từ Đạo Hạnh đầu thai và sau này trở thành vua Lý Thần Tông...

Thôn An Hoà tức Thượng Yên Quyết, tên Nôm là làng Cót. Đình làng toạ lạc tại xóm Hậu và có sắc phong thần sớm nhất vào thế kỷ XVIII. Bên trong thờ Đương cảnh Thành hoàng cùng hai vị vua Lý Thần Tông và Lê Hiển Tông. Đình được xây khi nào không rõ, tuy nhiên trên câu đầu của toà đại bái cũ có ghi ngày cất nóc là 19 tháng Tám Kỷ Sửu, có lẽ vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829).

Cổng đình An Hoà. Photo ©NCCong 2022

Từ xưa, An Hoà đã có truyền thống khoa bảng và được dân gian vinh danh trong câu ca "Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương" của Hà Thành. Thời Nguyễn, thôn này thuộc xã Yên Hoà, tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây; tới năm Minh Mạng thứ 12 (1831) cắt về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX, hai viên chỉ huy quân Pháp xâm lược là Francis Garnier và Henri Rivière đã lần lượt bị quân Cờ Đen đoạt mạng tại vùng Cầu Giấy trong hai lần đánh chiếm Bắc Kỳ năm 1873 và 1883.

Tháng 12-1942, Yên Hoà thuộc đại lý Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp tái xâm lược có tên gọi bí mật là xã Song Yên. Đầu năm 1956 thuộc xã Yên Hoà, quận 6, ngoại thành Hà Nội. Đến năm 1961 một nửa phố Cầu Giấy cắt về nội thành, còn xã Yên Hoà thuộc huyện Từ Liêm. Cuối thế kỷ XX, xã này trở thành một phường nội thành thuộc quận Cầu Giấy, rồi hoàn toàn đô thị hoá.

Khám thờ vua Lê Hiển Tông. Photo ©NCCong 2022

Năm 1994, đình An Hoà được xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đình An Hoà được xây lại trên nền cũ, mặt nhìn về phía tây bắc. Cổng đình làm kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối chữ Hán, tường có phù điêu. Trước cổng là sân nhỏ và cây cầu bắc ra một thuỷ đình với bia tưởng niệm liệt sĩ ở giữa ao vuông. Bên bờ ao có cây đa, bến nước và một giếng tròn, thành giếng được quây bằng những chiếc cối đá.

Sau cổng là sân lớn, một bên có bia khắc tên 10 vị tiến sĩ Nho học của An Hoà. Toà đại bái rộng 3 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc. Bộ vì làm kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền”, dựa trên 16 cây cột gỗ đinh. Thiêu hương sâu 3 gian và hậu cung 3 gian kết nối với gian giữa đại bái thành hình “chữ Công”. Bên tả và sau lưng đình là ngôi chùa làng có tên chữ Báo Ân Tự.

Hậu cung đình An Hoà. Photo ©NCCong 2022

Di sản

Trong ngôi đình hiện nay còn lại một số tư liệu Hán văn trên các hoành phi, đại tự, câu đối, cuốn thần tích và 14 đạo sắc phong thần, trong đó sắc sớm nhất mang niên hiệu Cảnh Hưng 29 (1767), muộn nhất là Khải Định 9 (1924). Các cổ vật khác gồm chiếc chuông đồng, 02 bộ long ngai bài vị có niên đại thế kỷ XVIII-XIX và 02 cỗ kiệu bát cống mang phong cách thời Nguyễn, 01 cỗ kiệu long đình có từ thế kỷ XIX, phần trang trí được sơn son thếp vàng và thực hiện bằng nghệ thuật chạm thủng tinh xảo công phu.

Lễ hội làng An Hoà được nhân dân và chính quyền sở tại tổ chức hàng năm vào ba ngày từ 10 đến 12 tháng Hai âl mà đình và chùa làng là địa điểm trung tâm. Cứ ba năm một lần lại có đám rước kiệu và diễn ra các trò chơi dân gian.

Ống muống đình An Hoà. Photo ©NCCong 2022

Di tích lân cận

©NCCông 2013-2022, An Hoa community hall