844 Xuan Canh community hall

Đình Xuân Canh

h.Đông Anhsông Đuốnghuyền sử

Đình Xuân Canh còn gọi đình Thượng Lão, có từ trước năm 1743. Thờ: thần núi Cao Sơn và Linh Lang đại vương. Lễ hội: ngày 8 tháng Ba âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2000). Vị trí: 3RMX+G5, xã Xuân Canh, H. Đông Anh, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 14km (hướng 12h). Trạm bus lân cận: UBND xã Đông Hội (xe 65), Km 6+650 QL3 (15, 17, 43, 46, 59)

Địa lý

Xã Xuân Canh năm 2004 có diện tích 6,12 km2, dân số 10.063 người. Phía đông bắc giáp xã Cổ Loa, phía đông nam giáp xã Đông Hội, phía tây giáp xã Tàm Xá, phía tây nam giáp sông Đuống. Đất xã màu mỡ chuyên trồng màu, xưa kia cung cấp lá dâu cho cả các làng nuôi tằm ở xung quanh. Lại có con đường cái quan từ bờ bắc sông Hồng đi lên Thái Nguyên, nay là quốc lộ QL3, tạo cho xã thế giao thông thủy bộ thuận tiện.

Cổng và đình Xuân Canh. Photo NCCong ©2022

Xuân Canh có Nguyễn Minh Thông đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1481) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến Thừa chính sứ. Năm 1733 lại có Trương Nguyễn Điều (1685-?) đỗ Sĩ vọng rồi Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu đời Lê Thuần Tông, làm đến Đề hình Giám sát Ngự sử; sau gia đình rời đến thôn Hàn Lạc, nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm. Thời Nguyễn, Xuân Canh là một xã của huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh) và có ba người đỗ Cử nhân: Vũ Huy Lân (1864), Nguyễn Huy Điền (1870), Nguyễn Chính (1886).

Năm 1876 thành lập huyện Đông Anh, tổng Xuân Canh chỉ còn lại 4 xã: Xuân Canh, Xuân Trạch, Lực Canh, Mạch Tràng. Năm 1901, huyện Đông Anh thuộc tỉnh Phù Lỗ (năm 1904 đổi thành tỉnh Phúc Yên). Trong kháng chiến chống Pháp, Xuân Canh nhập với các làng Lực Canh, Xuân Trạch, Vạn Lộc thành xã Vạn Thắng thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (năm 1950 hợp nhất với tỉnh Vĩnh Yên thành Vĩnh Phúc). Tháng 5-1961, xã Vạn Thắng cùng các xã khác của huyện Đông Anh được chuyển từ tỉnh Vĩnh Phúc về TP Hà Nội. Năm 1965, xã Vạn Thắng đổi lại thành Xuân Canh.

Trong đình Xuân Canh. Photo NCCong ©2022

Lược sử

Trước 1945, xã Xuân Canh có dưới 1000 người, chia thành 4 thôn với 4 đình riêng. Thôn Văn Bình thờ Triệu Đà. Thôn Xuân Đình thờ ngài Cửa Ngọ (không rõ lai lịch). Thôn Vân Hoạch thờ ngài Hoàng Lãng Khanh, hiệu Văn Lương, người Đường Lâm, sau làm Chỉ huy sứ, Tả tướng quân của vua Hùng Tuấn Vương. Đình Xuân Canh là đình thôn Thượng Lão, thờ thần núi Cao Sơn và phối thờ Linh Lang đại vương.

Đình Xuân Canh được xây năm nào không rõ nhưng sắc phong có niên đại sớm nhất là Cảnh Hưng 4 (Quý Hợi, 1743) và nhiều hiện vật mang phong cách thế kỷ XVIII, do đó có thể đoán đình ra đời từ trước 1743. Cạnh đình, quân Pháp rồi quân Nhật từng đóng trong một pháo đài, có nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội cùng với pháo đài Láng. Sau đó Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp nhận pháo đài này và đêm 19-12-1946 đã cùng với pháo đài Làng bắn những quả đạn đầu tiên mở màn cuộc kháng chiến toàn quốc.

Ngày 13-4-2000 đình Xuân Canh đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Hiên và hậu cung đình Xuân Canh. Photo NCCong ©2022

Kiến trúc

Đình Xuân Canh nhìn về phía nam qua sân và cổng ra một hồ nhỏ hình vuông. Cổng đình xây theo kiểu nghi môn với 4 trụ biểu trang trí hoa văn, thân mang câu đối chữ Hán, hai bên cửa chính có mảng tường đắp tượng hộ pháp cầm binh khí.

Sau cổng, hai bên sân là dãy nhà tả hữu mạc kiểu tường hồi bít đốc gồm 3 gian 2 dĩ, kết cấu theo lối chồng rường, bào trơn, kẻ soi, hiện đã xuống cấp rất nặng mà vẫn chưa được sửa chữa.

Toà đại đình Xuân Canh được tôn tạo nhờ hơn 16 tỷ đồng ngân sách nhà nước, tiến hành từ ngày 15-12-2017 đến 12-4-2019. Diện tích nay là 270m2, gồm 3 gian, 2 chái và 2 dĩ. Bốn mái lợp ngói ri, 4 góc uốn đao tạo mái trước hình lòng thuyền. Trong đại đình, gian giữa là nơi tế lễ, các gian bên được tôn nền cao. Bộ vì làm theo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền”. Mỗi bộ vì kèo có kết cấu mặt bằng theo lối 6 hàng chân. Cấu trúc của các vì kèo là những bộ phận trụ chống chủ yếu, nối bằng những xà dọc phía dưới và những đường hoành phía trên, để tạo thành một khung cột vững chắc.

Chạm khắc trong đình Xuân Canh. Photo NCCong ©2022

Di sản

Trang trí kiến trúc và điêu khắc tại đình Xuân Canh được thể hiện phong phú về đề tài, đa dạng về nội dung và hầu hết đều mang phong cách nghệ thuật từ thế kỷ XVII đến XIX. Tất cả di vật được tạo tác thuộc nhiều chủng loại với nhiều chất liệu khác nhau. Có một số cổ vật hiếm quý tiêu biểu như: các sắc phong năm Cảnh Hưng 4 (năm 1743), Tự Đức 10 (năm 1857) và 33 (năm 1880), Khải Định 3 (năm 1917); 02 pho tượng phỗng đá từ thế kỷ XVIII; 01 khám thờ từ thế kỷ XIX. Ngoài ra còn nhiều đồ tế tự khác như lọ hoa, đèn cầy, bát hương, v.v..

Di tích lân cận

©NCCông 2022, Xuan Canh community hall