856 Linh Quy pagoda
Chùa Linh Quy (Mê Linh)
h.Mê LinhTiền Lýsông Cà LồChùa Linh Quy có từ thời Nguyễn. Thờ Phật và Lý Nam Đế. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2000). Vị trí: 6MM6+J5, cầu Diến Táo, xã Tiến Thắng, H. Mê Linh, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 40 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: Ngã Rẽ Vào Trường THCS Bạch Trữ (xe 63)
Địa lý
Tiến Thắng là một xã nông nghiệp thuộc huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Xã nằm ven bờ nam sông Cà Lồ, giáp tỉnh Vĩnh Phúc. Giao thông chủ yếu qua con đường liên xã, sông Cà Lồ và DT308. Xã có mã hành chính 08983, tổng diện tích 8,56 km² đất tự nhiên, dân số năm 2021 là 15.776 người, mật độ đạt 1.842 người/km². Xã gồm 4 thôn cổ: Bạch Trữ, Kim Giao, Thái Lai, và Diến Táo.
Lược sử
Chùa Linh Quy được xây dựng vào thời Nguyễn như một công trình tôn giáo và cũng để tưởng niệm một vị anh hùng dân tộc. Phía sau các pho tượng Phật còn có pho tượng Lý Bí (503–548), người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của nhà Lương và lập ra nước Vạn Xuân độc lập ở thế kỷ VI.
- Cổng chùa Linh Quy (Mê Linh). Photo ©NCCông 2022
Năm 2000 ngôi chùa Linh Quy đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Chùa Linh Quy tọa lạc trên một khuôn viên cây cối um tùm, thế đất cao, nay thuộc thôn Diến Táo, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Tam quan và chùa chính nhìn chếch về phía đông nam là cánh đồng, sau lưng là bức tường giáp với con đường liên xã chạy dọc bờ đông sông Cà Lồ. Tam quan 2 tầng 4 mái, tường hồi bít đốc, ở trên là gác chuông. Toà tiền đường 5 gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài. Xà nách, kẻ ngói, các con rưởng được trang trí bằng chạm nổi, để mộc các mình mây cuộn. Toà thượng điện 3 gian, bộ vì làm kiểu “chồng bồn, giá chiêng”, kết nối với gian giữa tiền đường thành hình “chữ Đinh”.
- Tượng chùa Linh Quy (Mê Linh)
Di sản
Chùa Linh Quy ngoài quy mô kiến trúc đồ sộ còn có những tác phẩm chạm trổ tinh tế với đề tài phong phú, sinh động, tập trung chủ yếu ở thượng điện. Đó là hai bức cốn hình tam giác, được đục bong hình tứ linh và tôm, cua, cá. Rồng ở thế hút nước, đầu được chạm nổi bật hẳn ra ngoài, bờm tóc dữ tợn, mắt lồi, thân uốn nhiều khúc ẩn khuất trong mây, chân dài có 3 móng sắc bám chặt vào cánh mác, mình co lại như đang lấy sức hút cột nước lên cao, dưới cột nước có hai con cá chép cách điệu, vây dài, mình cong lại cuốn vào cột nước. Phía trong là hình rùa và khóm sen. Rùa thì đang ngẩng đầu chậm rãi bò. Phía ngoài là hình ly, bờm tóc rậm rạp, mắt lồi, đầu ngẩng cao, chân trước hơi co, chân sau choãi, đang đi vào. Sau ly là hình con cua được chạm rất rõ nét, mình khối hộp vuông, càng co, chân dài quắp, mắt lồi. Phía trên hình rồng là hình phượng đang bay, cánh xoè rộng, mỏ khoằm, xung quanh là các hình vân mây, hoa lá, dưới là hình sóng nước.
- Phật điện chùa Linh Quy
Trong chùa Linh Quy có đầy đủ một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông được bài trí uy nghi. Tất cả các pho tượng đều làm bằng gỗ, nghệ thuật chạm khắc điêu luyện, phảng phất nét chân dung thuần hậu, tinh khiết, không cường điệu mà gần gũi cuộc đời. Ngoài ra, nhà chùa còn bảo lưu được nhiều cổ vật khác có giá trị như chuông đồng, bia đá, đồ sứ,…
Di tích lân cận
- Đền Kim Giao: thôn Kim Giao, xã Tiến Thắng.
- Đền Thiên Cổ: thôn Thọ Lão, xã Tiến Thịnh.
- Đình Bạch Trữ: thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng.
- Đình Bồng Mạc: thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc.
- Đình Diến Táo: thôn Diến Táo, xã Tiến Thắng.
- Đình Phú Mỹ: thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập.
- Đình Yên Lão Thị: thôn Yên Lão Thị, xã Tiến Thịnh.
©NCCông 2022, Linh Quy pagoda