861 Dinh Coc community halls
Cụm di tích đình Cốc
h.Chương Mỹsông ĐáyHai Bà TrưngCụm di tích đình Cốc (Cốc Thượng, Cốc Trung, Cốc Hạ) có từ thời Lê. Thờ: Lục vị thành hoàng, tướng của Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí đình Cốc Thượng: VP4P+Q4, xã Hoàng Diệu, H. Chương Mỹ, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 27km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Đình Cốc Trung (xe 124)
Địa lý
Hoàng Diệu là một xã nông nghiệp nằm ven sông Đáy, thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ (năm 2008 nhập vào thành phố Hà Nội). Xã có mã hành chính là 10078 và tổng diện tích đất tự nhiên 806 ha. Năm 1999 dân số là 8.381 người, tập trung sống trong 6 thôn gồm: An Vọng, Bài Trượng, Cổ Hiền, Cốc Thượng, Cốc Trung, và Cốc Hạ. Giao thông chủ yếu nhờ vào con đường liên xã có tuyến xe bus số 124 chạy qua.
Lược sử
Vùng đất bãi phía đông nam xã Hoàng Diệu xưa gọi là Kim Cốc, trên bản đồ trông như hình mỏ vịt do sông Đáy uốn ngoặt. Cụm di tích đình Cốc gồm 3 ngôi đình nằm gần nhau của 3 thôn Cốc Hạ, Cốc Trung, Cốc Thượng; thờ Lục vị thành hoàng gồm bà Lý Thị Ngọc Ba và 5 người con trai đều là tướng của Hai Bà Trưng.
- Sân đình Cốc Thượng. Photo ©NCCong 2022
Theo thần phả, bà Lý Thị Ngọc Ba lấy ông Đặng Công Thành ở Thiên Lộc, phủ Đức Quang. Sau về Kim Cốc sống, ông bà sinh được 5 con trai: Trình Duyên, Trình Xuân, Trình Lang, Trình Nghiêm, Trình Tiến. Chồng mất sớm, bà nuôi các con khôn lớn thành tài. Mẹ con họ được Hai Bà Trưng cho làm tướng và đã góp công lớn đánh thắng thái thú Tô Định cùng lũ giặc Đông Hán ở Lĩnh Nam, thu về 65 toà thành.
Giành được độc lập, Hai Bà Trưng tự xưng là Trưng vương, đóng đô tại Mê Linh, ban tước “Chiêu Dung công chúa” cho bà mẹ và thưởng Kim Cốc làm thực ấp cho cả nhà. Tương truyền đến ngày 6 tháng Chạp sau đó, trời đất bỗng tối tăm mù mịt, lũ thuỷ quái làm nổi sóng sông Đáy. Dân làng thấy sáu mẹ con xuống thuyền đi không trở lại. Trưng vương vô cùng thương tiếc, ra lệnh cho lập đền phụng thờ sáu người.
Năm 1991, ba ngôi đình Cốc Thượng, Cốc Trung, Cốc Hạ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Sang đầu thế kỷ XXI, cả ba ngôi đình đều được trùng tu và công trình trông khá khang trang.
Kiến trúc và di vật
Đình Cốc Thượng thờ hai ngài Trình Duyên và Trình Lang. Đình quay về phía sông, dáng vẻ được định hình sau đợt trùng tu năm Tự Đức thứ tư (1851). Quy mô đình không lớn nhưng hiện nay tại đây bảo lưu được 15 đạo sắc phong. Đình Cốc Trung thờ bà mẹ và người con thứ năm là Trình Tiến. Đình đã bị chiến tranh phá huỷ gần hết, chỉ giữ được toà hậu cung với 26 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn và bản ngọc phả của cả cụm di tích. Đình Cốc Hạ còn gọi là quán Cốc Hạ, thờ hai ngài Trình Xuân, Trình Nghiêm. Đình được xây trên một gò đất tương truyền cũng là đồn binh của nghĩa quân. Hiện nơi đây có bệ thờ lộ thiên và 7 tấm bia hậu, ghi tên những người đã góp công đức dựng quán.
Lễ hội do ba thôn Cốc cùng tổ chức 3 năm một lần diễn ra trong ba ngày, từ 14 đến 16 tháng Hai âm lịch. Các hoạt động chính trong dip đó gồm có: lễ dâng hương, rước kiệu, múa kiệu, tế hội đồng và các trò chơi dân gian.
Di tích lân cận
- Chùa My Dương: VPCM+FJQ, xã Thanh Mai, H.Thanh Oai.
- Đình Nga My Hạ: thôn Nga My Hạ, xã Thanh Mai, H.Thanh Oai.
- Đình Thanh Thần: thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, H.Thanh Oai.
- Đình Ứng Hoà: thôn Ứng Hoà, xã Lam Điền, H. Chương Mỹ.
- Phủ thờ họ Đặng: thôn Lương Xá, xã Lam Điền, H. Chương Mỹ.
©NCCong 2013-2022, Dinh Coc community halls