863 Thanh Tam Giang temple

Đền Thánh Tam Giang

Tam Giangsông Cà Lồhuyện Sóc Sơn

Đền có từ thời Lê. Thờ: tướng Trương Hống, Trương Hát (Thánh Tam Giang). Vị trí: 6W56+779, Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 29km (hướng 13h). Trạm bus lân cận: Điểm Đỗ Xe Buýt 1 Kim Lũ Trung (xe 161)

Địa lý

Kim Lũ là một xã nông nghiệp vùng đồng trũng nằm ở phía đông nam huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Phía tây giáp xã Đông Xuân, phía bắc giáp xã Đức Hòa, phía nam giáp huyện Đông Anh và xã Xuân Thu, phía đông giáp tỉnh Bắc Ninh. Xã có mã hành chính 00439, diện tích đất tự nhiên 471 ha, dân cư theo điều tra năm 2015 gồm có 11.074 người, chủ yếu sinh sống trong 4 thôn: Kim Thượng (Lủ Thượng), Kim Trung (Lủ Trung), Kim Hạ (Lủ Hạ), và Xuân Dương.

Xã vốn hình thành từ một làng Việt cổ có tên nôm là Cờ Lủ, sau gọi là Lủ, tên chữ Kim Lũ. Khoảng thế kỷ II dưới thời Bắc thuộc, nghề thợ ngoã đã xuất hiện và phát triển ở Cờ Lủ. Tương truyền, xưa kia làng này từng cung cấp các hiệp thợ tham gia xây dựng kinh đô cho nhiều triều đại phong kiến của cả phương bắc lẫn phương nam như Kiến Nghiệp (Nam Kinh), Hoa Lư, Thăng Long, Huế...

Phía sau đền Thánh Tam Giang. Ảnh ©NCCong 2022

Dưới thời vua Lê Hiển Tông, làng Kim Lũ có cụ Bùi Đình Khai được ban một đạo sắc phong ngày 26 tháng 2 năm Cảnh Hưng thứ 44 do đã có công xây dựng và bảo vệ kinh thành Thăng Long. Về sau cứ đến mồng 10 tháng giêng âm lịch hằng năm, dân làng Kim Lũ lại làm lễ tế tổ làng nghề. Đền thờ cụ tổ có treo bức hoành phi "Khải Tất Tiên" và đôi câu đối do Đệ nhất Quận công nhà Lê là Nguyễn Duy Hiền cung tiến ca ngợi "Nghề thợ ngoã không phải cho riêng mình, nó cao quý trên trăm nghề khác, công lao rất lớn, tồn tại ngàn năm".

Lược sử

Đền Thánh Tam Giang là một trong các di tích nổi tiếng trên địa bàn xã Kim Lũ. Thánh Tam Giang là danh xưng chung để tôn vinh Trương Hống và Trương Hát hai vị thần được thờ ở Kim Lũ và hơn 370 ngôi làng nằm dọc theo ba con sông cổ: sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ. Theo truyền thuyết hai ngài là anh em theo Triệu Việt Vương đánh giặc nhà Lương. Về sau Lý Phật Tử dùng mưu lật đổ Triệu Việt Vương, hai anh em đã cùng tự vẫn trên khúc sông Tam Giang chứ không chịu khuất phục làm tướng cho vua mới.

Tiền tế đền Thánh Tam Giang. Ảnh ©NCCong 2022

Ngôi đền Xà thờ hai ngài ở gần đền Thánh Tam Giang là nơi thần hiển linh và đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà” để cảnh cáo tướng sĩ giặc Tống sang xâm lược và khích lệ quân dân Đại Việt. Trong cả hai cuộc kháng chiến, quân ta cuối cùng đều thu được thắng lợi, lần đầu vào năm 981 dưới sự chỉ huy của vua Lê Hoàn, lần sau vào năm 1076 của Tổng binh Lý Thường Kiệt. Các triều đại vua chúa Việt Nam đã ban rất nhiều đạo sắc phong hai ngài là “Tam Giang thượng đẳng thần”.

Kiến trúc

Đền Thánh Tam Giang nằm trên đất bãi ven bờ tả ngạn sông Cà Lồ, mặt nhìn về phía tây nam đúng nơi dòng sông uốn ngoặt một góc 70 độ. Hiện nay cả cổng chính và cổng hậu đều mở ra đường đê Lương Phúc. Toà tiền tế 3 gian 2 chái, xây kiểu hai tầng cổ diềm. bên trái sân trước là nhà giải vũ. Toà thiêu hương kết nối tiền tế với thượng điện 3 gian thành hình “chữ Công”. Phía sau thượng điện là một bãi cỏ rồi đến toà hậu đường hình “chữ Nhất” gồm 3 gian 2 chái.

Thượng điện đền Thánh Tam Giang. Ảnh ©NCCong 2022

Di tích lân cận

863 ©NCCông 2017-2022, Thanh Tam Giang temple