868 Manh Tan community hall

Đình Mạnh Tân

h.Đông Anhnhà Đinhsông Cà Lồ

Đình Mạnh Tân có từ lâu đời. Thờ: Đương Giang - tướng của Đinh Tiên Hoàng; bà Phạm Thị Tiên - mẹ của Lý Thái Tổ. Lễ hội: 10-1, 15-3, 12-11 âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2000). Vị trí: 5VFW+RH6, thôn Mạnh Tân, Thuỵ Lâm, Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 24 km (hướng 1 h). Trạm bus lân cận: Trường THCS Tiểu Học Thụy Lâm.

Lược sử

Thôn Mạnh Tân nằm bên sông Cà Lồ, xưa kia thuộc trang Bằng Lâm, tổng Phương La, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Trải qua vài triều đại đã có nhiều người học giỏi đỗ cao nên tên trang Bằng Lâm (tức rừng đồng bằng) được đổi thành Thư Lâm (tức rừng sách).

Vùng này có 4 làng Râm: Râm Bến (Mạnh Tân), Râm Trầm (Hương Trầm), Râm Chợ (Cổ Miếu), Râm Bướu (Biểu Khê). Vào thế kỷ XV trong làng Râm Bướu còn có ông Ngô Đễ theo Lê Lợi đánh giặc Minh giành độc lập cho nước ta. Từ năm 1961 làng Râm Bến tức thôn Mạnh Tân thuộc về xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Năm 2000 ngôi đình Mạnh Tân đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Cổng đình Mạnh Tân. Ảnh ©NCCong 2022

Theo ngọc phả lưu giữ trong cung cấm đình Mạnh Tân thờ thành hoàng thứ nhất là Thánh mẫu Phạm Thị Tiên, mẹ của Lý Công Uẩn - đức vua mở đầu triều Lý. Hoàng thái hậu từng đi qua đây, thấy chùa làng đổ nát bèn xin hưng công sửa sang. Sau khi hoá, ngài được dân làng rước bài vị vào đền thờ. Vị thứ hai là Đương Giang đại vương, ngài từng chiêu mộ được hơn trăm trai tráng vùng Bằng Lâm khi đó đi theo phù tá Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Ngài được vua giao trấn giữ đạo Thái Nguyên, lại lập công trừ dịch bệnh cho dân. Sau khi hoá ngài được dân làng lập đền phụng thờ.

Đền này xưa kia vốn nằm tại vị trí chỉ cách bờ nam con sông Cà Lồ khoảng trăm bước và cổng đền nhìn ra ngay con đường giao thông liên tỉnh quan trọng nối Yên Phong (Bắc Ninh) với Phù Lỗ (Vĩnh Phúc). Năm 1952, quân đội Pháp đã cho phá hủy ngôi đền, nhân dân trong làng chỉ kịp vác hòm sắc, long ngai bài vị của Thánh Mẫu đem đi cất giấu. Đến năm 2000, trong khuôn viên cũ vẫn còn dấu vết nền nhà thượng điện và nền nhà đại bái.

Hông đình Mạnh Tân. Ảnh ©NCCong 2022

Kiến trúc

Đình làng Mạnh Tân có từ xưa. Cuối thế kỷ XIX, ngôi đình với hình dáng như bây giờ đã được xây lại ở trên một khoảnh đất rộng giữa làng, cách xa hồ Hoàn Kiếm khoảng 24 km về phía bắc theo hướng kim đồng hồ chỉ 1 giờ. Cổng đình giáp với đường làng và chỉ gồm có một cửa chính và bốn trụ biểu, thân đắp câu đối chữ Nho. Bước qua cổng ta sẽ thấy hai bên là dãy nhà tả hữu vu 3 gian kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Sân trước thông với hai sân ở hông đình và sân sau, xung quanh là các cổ thụ.

Toà đại bái 5 gian 2 chái, cửa bức bàn, gian giữa hơi lùi vào trong, mặt nhìn về phía tây qua sân, cổng và hồ nước nhỏ. Các mái đều lợp ngói ri, 4 đầu đao uốn cong, bờ nóc đắp hình lưỡng long triều nguyệt. Toà hậu cung hơi nhô cao, dưới mái có khe lấy sáng, 3 gian dọc kết nối với gian giữa toà đại bái thành hình “chữ Đinh”.

Sân đình Mạnh Tân. Ảnh ©NCCong 2022

Di vật

Ngày nay, trong đình vẫn còn lưu bản thần phả và 2 đạo sắc phong: một đạo đời vua Thành Thái (1905), một đạo đời vua Khải Định (1924). Các đồ thờ, kiệu bát cống, hương án, long ngai, bài vị được tạo tác vào thế kỷ XVIII-XIX. Trên các bức cốn và đầu dư là một số hình chạm khắc đề tài tứ linh mang phong cách nghệ thuật cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Lại có một tấm bia đề là “Cấu tác tân đình tạo lập thạch bi” (Bia đá ghi việc xây đình mới) được dựng vào năm Thành Thái thứ 6 (1894), bốn mặt đều khắc chữ Nho.

Tại gian chính điện có treo đôi câu đối chữ Nho, phiên âm như sau: “Miếu vũ uy nghiêm, bát đại Lý triều quang tự thử / Âm phù linh dị, thiên niên Việt quốc ngưỡng vu tư”. Các bô lão địa phương cho biết 22 chữ này vốn có trong đôi câu đối đã bị phá hủy của ngôi đền cũ, về sau được viết lại và cho khảm trai để thờ ở đình làng. Nội dung cho thấy Đương Giang đại vương và Lý triều Thánh Mẫu đã được thờ ở đền miếu trước khi có đình.

Trong đình Mạnh Tân. Ảnh ©NCCong 2022

Hằng năm dân sở tại tổ chức 3 dịp lễ lớn theo âm lịch gồm: ngày hoá của Thánh mẫu vào mùng 10 tháng Giêng, ngày sinh của bà vào rằm tháng Ba và lễ hội chung của 4 làng Râm mừng ngày thắng trận của thần Đương Giang vào ngày 12 tháng Một.

Di tích lân cận

868 dinh Manh Tan ©NCCong 2022