869 Den Sai temple

Đền Sái

Huyền Vũsông Cà Lồh.Đông Anh

Đền Sái có từ lâu đời. Thờ: thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Lễ rước vua: 11 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1986). Vị trí: 5WJ8+W5Q, thôn Thuỵ Lôi, Thuỵ Lâm, Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 27 km (hướng 1 h). Trạm bus lân cận: Điểm Đỗ Xe Buýt Thụy Lâm.

Địa lý

Xã Thụy Lâm, mã hành chính 00460, là một xã nông nghiệp thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Xã có tổng diện tích 1.124,4 ha đất tự nhiên. Địa giới phía tây giáp xã Xuân Nộn; phía nam giáp các xã Liên Hà, Vân Hà, Việt Hùng; phía bắc giáp xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn); phía đông giáp tỉnh Bắc Ninh. Giao thông chủ yếu bằng sông Cà Lồ, đường đê và đường Thư Lâm.

Dân số xã năm 2020 là 20.168 người, chủ yếu sống tại 6 thôn cổ: Đào Thục (tức Đào Xá), Thụy Lôi (làng Nhội), Cổ Miếu (Râm Chợ), Mạnh Tân (Râm Bến), Hương Trầm (Râm Trầm), Biểu Khê (Râm Biếu), và 3 thôn mới được thành lập sau năm 1960 khi giãn dân cho 2 xã Thụy Lâm, Liên Hà nên có tên là: Hà Lâm 1, Hà Lâm 2, Hà Lâm 3. Cánh đồng làng Nhội có núi Sái tức núi Rùa Mẹ, tên chữ Vũ Đương Sơn.

Tượng thần trong đền Sái. Ảnh ©NCCong 2022

Lược sử

Chuyện xưa kể rằng khi An dương vương Thục Phán lập nước Âu Lạc, vua chọn đất Cổ Loa để đóng đô. Ở đó ngài cho đắp một toà thành hình con ốc nhưng cứ ngày đắp đêm lại đổ, vua lo lắng dựng đàn cầu khấn các vị thần thánh trả lời tại sao. Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ sai thần rùa vàng Kim Quy hiện lên nói đó là do con ma gà trắng Bạch Kê Tinh nấp trong núi Sái đêm đến lẻn ra phá hoại. Vua xin thần trợ giúp, quả nhiên diệt được ma thì thành đứng vững. Nhà vua bèn cho xây một ngôi đền trên núi Sái để thờ Đức thánh.

Tương truyền khi các nàng tiên đến giúp đắp thành bị Bạch Kê Tinh làm đất đổ xuống thành 7 quả núi có tên Thất Diệu Sơn, cao nhất là núi Sái. Hơn nghìn năm sau, Lý Thái Tổ tới đây cầu tự được hoàng tử nên cho xây đền Quán Thánh ven Hồ Tây và rước duệ hiệu ngài về thờ làm trấn bắc kinh thành Thăng Long. Đức Huyền Thiên Trấn Vũ còn âm phù giúp Lý Thường Kiệt phá giặc Tống trên khúc sông Như Nguyệt gần đền Sái v.v..

Gác chuông đền Sái. Ảnh ©NCCong 2022

Năm 1986 đền Sái đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đền nằm trên sườn núi Sái, mặt nhìn về cánh đồng ở phía nam. Du khách từ đường Thụy Lôi rẽ vào khoảng trăm bước sẽ đến sân trước với 2 ao “Tiên trì”. Leo hết bậc thềm đá sẽ lên đến một ngũ môn quan đồ sộ. Sau cổng là một gác chuông rất đẹp, quả chuông do dân làng Nhội đúc năm Thành Thái 10 (1898), hai bên là sân nhà tả hữu vu. Tiếp theo là nhà Kính Thiên 2 tầng 8 mái, chính giữa đặt tấm bia trụ dựng năm Chính Hoà Tân Tỵ (1701), bốn mặt khắc chữ Nho, trán bia chạm nổi 4 chữ lớn “Huyền Thiên Đạo Quán” với 3 tầng có hình hoa sen, gà trống, rắn thần. Leo tiếp 4 bậc sẽ lên tiền tế và toà đại bái 5 gian, cùng thiêu hương và thượng điện nối thành hình “chữ Công”.

Đền Sái. Ảnh ©NCCong 2022

Sau đền là ngôi chùa Thích Ca có mặt bằng hình “chữ Đinh”, cửa ngách bên tả mở ra nhà thờ Mẫu, nhà khách, và khu phụ. Sau núi còn có các dấu tích khác như “Mã đề tiên tích” (Vết chân ngựa) và “Tiên tỉnh” (Giếng tiên).

Di sản

Trong đền lưu giữ được nhiều cổ vật, đặc biệt là cây hương đá ghi niên hiệu Chính Hoà, một số viên gạch nền in hình rồng thời Lê và tấm bia đá có niên đại Mạc Hưng Trị thứ 3 (1590) ghi tên đền khi đó là “Chân Linh Quán”. Trong cung cấm bài trí pho tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ làm bằng đất sơn son, cao hơn 2m. Tượng ở tư thế ngồi, mặc áo vàng, chân đế chạm các hình rùa và rắn.

Ngoài lễ sinh nhật Thánh mùng 2 tháng Ba âl, và ngày Thánh hoá 9 tháng Chín, tại đền Sái còn diễn ra “Hội rước vua” rất đặc sắc.

Tấm bia trụ đền Sái. Ảnh ©NCCong 2022

Tương truyền ban đầu hằng năm vua dẫn trăm quan về đền bái yết Đức thánh. Sau ngài thấy thế làm hao tốn công sức của dân nên cho phép làng Thụy Lôi thực hiện tế lễ thay cho triều đình, lâu dần thành một tục lệ gọi là “Hội rước vua”. Giai đoạn cuối của khâu chuẩn bị bắt đầu từ mùng 5 Tết âm lịch. Trước dịp này dân làng phải chọn 2 người có phúc đức và đẹp lão để đóng thế vua, chúa.

Đến ngày chính hội 11 tháng Giêng, vua đóng thế sẽ lên đền Thượng để làm lễ tế Cao Sơn Đại Vương; còn chúa giả lên đền Sái làm lễ thỉnh Đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Sau đó, chúa sang đền Thượng cùng vua làm “lễ ướm gươm”, chém 3 nhát vào “tảng đá Bạch Kê Tinh”. Tiếp theo bêu đầu gà làm “lễ mừng tựa” rồi cả đoàn vua, chúa lên đền Sái, bái yết Huyền Thiên Trấn Vũ và làm “lễ thỉnh sinh”, cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người an lành, v.v..

Di tích lân cận

869 Den Sai ©NCCong 2022