882 Thuong Cung community hall

Đình Thượng Cung

h.Thường Tínsông NhuệLê trung hưng

Đình Thượng Cung có từ năm 1637. Thờ: 3 anh em tướng nhà Lý. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: VR4F+CPX, Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 30km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Trạm Xăng Nhân Hiến (xe 94, 125)

Địa lý

Nơi đây từ xưa đã có tên nôm là Kẻ Hống. Đến thời Lê được gọi là thôn Hống Khánh, sau đổi là Thượng Cung, thuộc huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Đến đời vua Minh Mệnh, năm 1831 phủ này thuộc về tỉnh Hà Nội mới lập. Thời Pháp thuộc, năm 1904 lại đổi là huyện Thường Tín, thuộc tỉnh Hà Đông.

Làng Thượng Cung nay thuộc xã Tiền Phong. Xã nằm ở phía tây sông Nhuệ, có đường liên xã trên đê. Diện tích đất tự nhiên là 458 ha, dân đông gần một vạn người. Phía bắc giáp xã Hiền Giang, phía đông nam giáp xã Tân Minh, phía tây nam giáp xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai). Xã cách Quốc lộ QL1A và đường sắt Bắc–Nam hơn 3 km, phía bắc lại có tỉnh lộ DT427 chạy qua.

Đại đình Thượng Cung. Ảnh NCCong ©2022

Xã Tiền Phong nay có 5 thôn: Thượng Cung, Ngọc Động, Phác Động, Trát Cầu, Định Quán. Dân cư chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi. Từ cuối thế kỷ XX dân xã chuyển dần sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các mặt hàng có giá trị kinh tế cao như: chăn ga, gối, đệm, đồ gỗ…

Lược sử

Theo bản thần phả hiện lưu trữ tại đình Thượng Cung do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và được chép lại năm Khải Định tam niên (1918), làng này thờ ba vị thành hoàng làm tướng trong triều nhà Lý.

Chạm gỗ đình Thượng Cung. Ảnh NCCong ©2022

Tương truyền thời Lý ở đây có ông Lê Đoan cùng vợ là Phạm Thị Thành sống hiền lành, giản dị. Ông làm nghề dạy học và tinh thông phong thuỷ địa lý. Bà chăm chỉ làm ruộng. Ông bà có công tìm đất lập chợ Hống ở ngay trước cửa nhà mình, được dân làng quý trọng tài đức, chỉ hiềm một nỗi muộn con. Mãi đến già bà mới sinh được ba bé trai, ông đặt tên cho là Hoằng, Gia, Võ.

Lớn lên, ba anh em đều giỏi cả văn lẫn võ, đươc triều đình phong làm tướng. Các ngài đã giúp vua Lý Thái Tông dẹp yên giặc Champa quấy phá biên giới phía nam. Ba vị chỉ huy các cánh quân thủy và bộ, nhiều lần lập được chiến công. Sau khi hoá, dân làng Thượng Cung góp sức dựng ba ngôi miếu nhỏ để thờ phụng các ngài.

Kiệu thờ ở đình Thượng Cung. Ảnh ©NCCong 2022

Từ thời Lê trung hưng, làng Hống đã có ngôi đình của mình. Trên câu đầu gian bên trái tòa đại bái hiện còn dòng chữ Hán “Dương Hòa tam niên tân tạo chí”, tức là năm 1637 đình này được xây mới.

Kiến trúc

Năm Cảnh Hưng 17 (1756) dân làng sửa chữa tòa hậu cung, trên nóc cũng có dòng chữ Hán ghi việc này. Năm Cảnh Hưng 20 (1759), tòa đại bái được tu bổ. Năm Tự Đức 17 (1864), đình lại trùng tu. Đến nay qua nhiều lần tôn tạo, về cơ bản đình vẫn giữ nguyên được dáng dấp ban đầu với mặt bằng theo kiểu “chữ Công”.

Cổng đình Thượng Cung. Ảnh NCCong ©2022

Tòa đại bái 3 gian 2 chái, cửa bức bàn nhìn về phía bắc, gian giữa được nối với tòa hậu cung bởi toà thiêu hương 3 gian chạy dọc, tại đó đặc biệt có đặt một cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng tạo tác vào thời Lê. Hậu cung mang đậm dấu ấn kiến trúc từ đầu thế kỷ XVII và lưu giữ được nhiều cổ vật quý.

Di sản

Trong đại bái vẫn còn các bức cốn chạm nổi các đề tài “Mẹ con rồng”, “Tiên cưỡi rồng”…. Ngoài ra lại có các mảng chạm hoạt cảnh đua thuyền, người gồng gánh, vác cuốc làm ruộng, voi lâm trận, võ sĩ cầm kiếm, đấu võ… Tại hậu cung cũng bảo lưu được một số hiện vật từ thời Hậu Lê, trong đó có hai ông phỗng cởi trần, đóng khố, quỳ gối dưới đất.

Hoành phi đình Thượng Cung. Ảnh NCCong ©2022

Năm 1991, đình Thượng Cung được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCong 2022, Thuong Cung community hall